Khi hai người đã yêu nhau, tất nhiên trong chừng mực nào đó, người nọ có quyền kiểm soát hành vi của người kia. Nhưng, nếu sự kiểm soát ấy chặt chẽ đến mức người được yêu cảm thấy mất hết tự do, thậm chí muốn biến đối tượng yêu thành sở hữu của riêng mình thì sẽ làm cho tình yêu nghẹt thở.

Yêu quá hóa... tù!

Kim Dung 23 tuổi, tốt nghiệp đại học ngoại ngữ, mới vào làm ở công ty liên doanh được một năm. Thời sinh viên, Dung yêu Thắng, một anh chàng đẹp trai, hiền lành, học cùng lớp. Thắng có nhiều ưu điểm nhưng lại có một nhược điểm không sửa được là cả ghen, lúc nào cũng lo mất người yêu. Vì thế, bất cứ lúc nào Thắng cũng phải biết chắc Dung đang làm gì, ở đâu thì mới yên tâm. Trung bình cứ khoảng nửa tiếng anh chàng lại gọi điện hay nhắn tin kiểm tra một lần. Một buổi tối, có người bạn gái rủ Dung đi thăm một người quen bị tai nạn giao thông đang cấp cứu. Dung hớt hải đi, không kịp báo cho người yêu. Thắng gọi điện không thấy Dung trả lời vì cô để điện thoại trong cốp xe. Chỉ cần như thế, Thắng đã gay gắt đặt ra bao nhiêu nghi ngờ, sợ Dung có “thằng nào” rủ đi chơi. Khi gặp nhau, trước hàng lô câu hỏi như đi với ai, vào bệnh viện thăm ai, quan hệ thế nào... Dung đã trả lời rõ ràng mà Thắng vẫn không tin, đòi lấy số điện thoại để kiểm tra. Ngay lúc ấy, Dung đã lờ mờ cảm thấy nếu mình trở thành vợ của người này, có lẽ suốt đời sẽ bị anh ta canh giữ như tù binh.

{keywords} 

Tình hình càng tệ hơn từ khi Dung chuyển sang cơ quan mới. Cứ vài ngày, Thắng lại đến cơ quan người yêu “kiểm tra đột xuất” xem Dung đang ngồi với ai. Một hôm, Dung báo tin là cô sắp phải đi công tác xa mấy ngày cùng một đoàn do anh trưởng phòng phụ trách. Thắng kiên quyết không cho đi. Lý do duy nhất là vì anh trưởng phòng này... chưa có vợ. Đến nước này thì Dung buộc phản ứng lại. Cô không thay đổi quyết định của mình khiến Thắng như hóa điên. Anh ta dọa sẽ làm cho Dung muốn đi với “thằng đó” thì chỉ có cách chống nạng mà đi. Dung lo sợ, gọi điện đến một trung tâm tư vấn hỏi xem phải ứng xử thế nào, vì có thể Thắng sẽ làm liều, gây thương tật cho mình. Trong thâm tâm, cô chỉ mong sao thoát khỏi người mà mình đã từng yêu, tình yêu đó đã chết vì... nghẹt thở.

Nhận diện “cai ngục”

Theo các chuyên viên tâm lý, nếu bạn nhận thấy người yêu có xu hướng kiểm soát hoàn toàn cuộc sống của mình thì bạn đừng hy vọng sau khi thành hôn, cái “vòng kim cô” đó sẽ nới lỏng ra. Trái lại, nó thường tăng lên, có thể biến gia đình thành địa ngục. Đây là đoạn đối thoại của một đôi tình nhân đã tốt nghiệp đại học và đang theo học cao học:

- Chiều qua sau khi chia tay em, buổi tối anh ngồi với ai mà phải tắt di động, gọi mãi không được?

- Anh ngồi xem đá bóng một mình thôi nhưng không muốn ai làm phiền nên tắt máy.

- Vậy em gọi là làm phiền anh à?

- Không phải, vì chúng mình vừa ở bên nhau cả buổi chiều rồi còn gì!

- Anh nói dối, chẳng ai xem ti vi mà phải tắt điện thoại cả.

- Không tin thì thôi, em không có quyền tra hỏi anh như vậy!

Thử hỏi những câu chuyện như thế nếu tái diễn nhiều lần sẽ dẫn tình yêu tới đâu? Tiếc là trong thực tế, không ít cô gái hiện đại vẫn tự cho mình cái quyền kiểm soát người yêu chặt chẽ và họ gọi điều đó bằng cái từ mỹ miều là quan tâm. Có mấy ai thích được người khác “quan tâm” kiểu đó không?

Ngày nay cuộc sống của chúng ta vô cùng phong phú với bao nhiêu phương tiện thông tin liên lạc, bao nhiêu quen biết bạn bè, công việc, học hành, vui chơi. Trong tất cả các mối quan hệ đan xen chằng chịt đó, tình yêu chỉ là một. Dù nó là một phần quan trọng của cuộc sống thì cũng không phải toàn bộ cuộc sống. Nếu có ai đó suốt ngày chỉ quanh quẩn bên người yêu, đắm mình vào tình yêu đến xa rời tất cả thì chẳng bao lâu, người đó sẽ trở thành lạc hậu về nhiều phương diện, năng lực sẽ giảm sút, hiểu biết sẽ mù mờ, các mối quan hệ sẽ lỏng lẻo và rất dễ bị gạt ra khỏi guồng máy xã hội đang vận hành hối hả.

Trong số những đôi vợ chồng trẻ ly hôn hiện nay, không ít trường hợp chỉ vì đang sống tự do chuyển sang bị quản lý quá chặt chẽ và bị gò ép phải thay đổi theo ý muốn người khác. Đúng là xưa kia từng có một thời, người vợ là vật sở hữu của chồng. Thời đó người phụ nữ phải răm rắp tuân theo mọi mệnh lệnh, bất kể đúng sai. Nếu không theo, họ bị xem là hư hỏng, nhẹ thì bị chửi mắng, nặng có thể ăn đòn. Tiếc là ngày nay, cái “nam quyền” đã tồn tại hàng nghìn năm trong lịch sử chưa phải đã được gột rửa hết. Vẫn có những ông bố, bà mẹ mắng con trai là không biết “dạy” vợ khi nàng dâu làm những điều chưa hợp ý mình. Vẫn có những ông chồng cũng nghĩ rằng mình có quyền “dạy vợ” bằng cách quát tháo, thậm chí đánh đập.

Kỳ lạ là có những cô gái ngay trong khi tìm hiểu đã bị “dính chưởng” của người yêu đến nỗi thâm tím cả mặt mày nhưng vẫn gắn bó và sẵn sàng kết hôn. Hình như họ tự nguyện làm vật sở hữu của người yêu miễn là được kết hôn với anh ta. Họ tưởng rằng có thể đi tới hạnh phúc bằng bất kỳ giá nào. Biết đâu chỉ sống với nhau một vài năm, họ hiểu ra khi đã cam phận như thế thì không bao giờ được sống theo mong muốn của mình. Họ luôn phải đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của chính mình và vì thế ước mơ hạnh phúc chỉ là hoang tưởng.

Trịnh Trung Hòa

(Theo Phunuonline)