Cuộc tấn công xuyên biên giới của Ukraine vào vùng biên giới Kursk của Nga diễn ra từ ngày 6/8. Chỉ sau vài ngày, Kiev tuyên bố đã giành được quyền kiểm soát hơn 1.000 km2 lãnh thổ Nga.

Theo tờ New York Times (NYT), cuộc tấn công xuyên biên giới táo bạo cho thấy Ukraine đã chú trọng vào yếu tố bí mật trong hoạt động lần này.

nga ukraine kursh 8.jpg
Một ngôi nhà bị cháy ở thị trấn Sudzha khi Ukraine tấn công vào vùng Kursk của Nga. Ảnh: IZ.RU

Cũng theo tờ báo, một viện nghiên cứu liên kết với quân đội Ukraine đã nghiên cứu các chiến dịch thành công trong lịch sử hiện đại, và nhận ra rằng bên giành phần thắng thường không công khai điều gì trước khi tấn công. Và học thuyết này dường như đã được áp dụng cho quân đội Ukraine trong cuộc tấn công xuyên biên giới vào vùng Kursk của Nga. 

Chia sẻ với NYT, một phó chỉ huy lữ đoàn Ukraine có tên Artem cho biết hầu hết các sĩ quan cấp cao Ukraine chỉ được thông báo trước 3 ngày thực hiện chiến dịch. Trong khi đó, những người lính chỉ được thông báo trước 1 ngày.

Ngoài ra, Ukraine còn che giấu việc tập trung lực lượng dọc biên giới bằng cách dàn trải binh sĩ tại các ngôi nhà nằm rải rác khắp các ngôi làng, và giả vờ tiến hành tập trận.

Đáng chú ý nhất là việc các nhà lãnh đạo Ukraine vẫn không lên tiếng về cuộc tấn công xuyên biên giới suốt nhiều ngày, dù đã có thông tin cho rằng quân đội Kiev tiến sâu vào Kursk.

Tới ngày 10/8, tức 5 ngày sau vụ đột kích, Tổng thống Volodymyr Zelensky mới lên tiếng thừa nhận Ukraine đã tấn công lãnh thổ Nga

Ban đầu, Nga cho rằng Ukraine đã huy động khoảng 40 xe bọc thép và 1.000 quân tham gia đột kích, nhưng trên thực tế con số này lớn hơn nhiều.

nga ukraine kursh 9.jpg
Nga phóng tên lửa tấn công các đơn vị Ukraine tiến vào Kursk. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Sự im lặng của Kiev lần này trái ngược hoàn toàn với cuộc phản công được phô trương nhưng thất bại vào mùa hè năm 2023. Vào thời điểm đó, các lực lượng Ukraine đã tấn công vào tuyến phòng thủ của Nga ở phía nam, nhưng chỉ giành lại được hơn 500km2 lãnh thổ. Ukraine trước đó từng tuyên bố mục tiêu chính của đợt phản công là cắt đứt mặt trận phía đông của Nga khỏi các tuyến tiếp tế qua bán đảo Crưm.

Dù không công khai chính xác thời điểm thực hiện phản công, nhưng ý định tấn công của Ukraine vào các tuyến phòng thủ của Nga đã bị báo chí đưa tin từ giữa năm 2022. Việc Kiev mất quá nhiều thời gian để chuẩn bị cho cuộc phản công còn khiến nhiều người nghi ngờ đây chỉ là một mưu mẹo hù dọa Nga.

Hồi tháng 4, ông Zelensky đã viện dẫn lý do cho rằng phía Nga có thể đã biết trước kế hoạch phản công vào năm 2023 của Ukraine.

“Người Nga biết chúng tôi sẽ tấn công vào đâu. Làm sao họ biết được? Làm sao họ có được thông tin này? Tôi không thể nói với bạn điều đó. Lịch sử sẽ trả lời”, Tổng thống Ukraine cho hay. 

Còn lần này, Ukraine đã giữ kín thông tin trước khi triển khai đột kích. Trong khi ở Kursk, các lực lượng Nga dường như đã mất cảnh giác. 

Trước thời điểm triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, Điện Kremlin được cho cũng đã giấu kín ý định với các binh sĩ nước này. Nhiều nguồn tin cho hay, một số lính lái xe tăng Nga còn không biết họ sẽ đi đâu, khi đoàn quân Nga tràn qua biên giới.