- “Yêu trên đỉnh Kilimanjaro” kể về hành trình chinh phục đỉnh núi Kilimanjaro linh thiêng ở Tanzania của hai nhân vật chính.
“Yêu trên đỉnh Kilimanjaro” là tiểu thuyết được viết trong thời gian 2 năm của nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang, từ trang đầu tiên (năm 2014) đến trang cuối cùng của tiểu thuyết (năm 2016) hoàn toàn được viết tại Sài Gòn.
Đó cũng là sự chậm lại so với nhịp độ trung bình mỗi năm xuất bản một đến hai tác phẩm trước đây, trong hành trình sáng tác 10 năm.
Tiểu thuyết “Yêu trên đỉnh Kilimanjaro” |
Nguyễn Quỳnh Trang bắt đầu viết tiểu thuyết từ năm 2006 đến năm 2007 thì ra mắt tiểu thuyết “1981”. Sau đó lần lượt là các tác phẩm: Nhiều cách sống (2009); Cho một hành trình (2009), 24 giờ (2011), Mất ký ức (2012), Đi về Không điểm đến (2013), 9X’09 (2014)m Yêu trên đỉnh Kilimanjaro (2016). Trong đó, tiểu thuyết “1981” và “Nhiều cách sống” đã được tái bản rất nhiều lần.
“Yêu trên đỉnh Kilimanjaro” kể về hành trình chinh phục đỉnh núi Kilimanjaro linh thiêng ở Tanzania của hai nhân vật chính. Jen, vốn là một thánh nữ từ Nepal, đã gặp nạn ngay từ lúc mới tới khảo sát, và nhập viện trong trạng thái khi tỉnh khi mê. Lynh, một doanh nhân Việt Nam đầy thực dụng và toan tính có sở thích leo núi, vốn có hẹn cùng leo núi với Jen và nhóm bạn trước đó, chỉ còn lại một mình thực hiện hành trình đã dự tính, với sự trợ giúp của những người địa phương.
Hai con người vốn chỉ tương tác trên internet nhưng có sự gắn kết kỳ lạ, và sau lần gặp nhau trên giường bệnh nơi Jen nhập viện càng trở nên gắn kết chặt chẽ bằng sự tương hỗ đặc biệt về tinh thần. Bằng cách đó, Jen đã tạo động lực thúc đẩy Lynh tới đích trong hành trình chinh phục đầy khó khăn, giúp anh vượt qua những khoảnh khắc cận tử trong hành trình.
Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang |
Lynh, sau cơn say độ cao, đã đối mặt với cái chết, nhưng khoảnh khắc được cứu rỗi lại khiến anh ngộ ra nhiều điều, sám hối về những hậu quả anh đã làm, về cách anh đã sống. Để rồi dù biết rằng việc tiếp tục hành trình chinh phục Kilimanjaro đồng nghĩa với cái chết, anh vẫn chọn nó như một cách để trả nợ cho mối nhân duyên tiền kiếp của mình, để Jen được ra đi theo cách trọn vẹn nhất…
Về tiểu thuyết “Yêu trên đỉnh Kilimanjaro” của Nguyễn Quỳnh Trang, Nhà nghiên cứu Văn hoá Phan Cẩm Thượng đã viết:
“Nữ nhà văn, hoàn toàn xây dựng câu chuyện của mình ở một nơi xa lạ - Nepal và Tazania, con người và tên tuổi đều không quen thuộc, theo cách hiểu thông thường của chúng ta, những người quen đọc truyện Việt Nam. Phật giáo và các ý niệm của nó được dùng nhiều trong cuốn sách, có thể là không xa lạ gì, nhưng việc leo núi, vượt lên một cái gì đó quá sức tưởng tượng, khi đặt mình vào đó, mới biết mình là thế nào, cũng không phải là cách ta thường làm.
Trừ trong chiến tranh, do hoàn cảnh bắt buộc. Người Việt không phải là người phiêu lưu, thích một sự trải nghiệm xa lạ. Nhưng đó cũng chẳng phải ý định của nhà văn, qua nhân vật cô sống đa tuyến, với nhiều tâm trạng khác nhau của những người khác nhau, đi tìm mục đích riêng của mình, vô vọng và lạc lối, không hiểu ngay cái gần nhất, nhưng lại dấn thân vào cái nguy hiểm nhất”.
Việt Anh