"YouTube đang đặt cược lớn vào châu Á và đẩy mạnh việc mở rộng các nội dung bản địa hoá tại khu vực này", Giám đốc Kinh doanh Robert Kyncl cho biết.

Phát biểu tại trụ sở APAC của Google tại Singapore, ông Kyncl chia sẻ động lực từ người sử dụng và sự tăng trưởng doanh thu trên khắp châu Á cho thấy đây là một cơ hội quan trọng của công ty.

Chỉ trong năm ngoái, nền tảng video của Alphabet tại khu vực này đã tăng trưởng ở mức ba con số trong tất cả các số liệu, bao gồm thời gian xem của người dùng và nội dung tải lên của đối tác.

"Châu Á không chỉ có số dân đông nhất, mà chỉ trong vài thập kỷ nữa, các quốc gia tại khu vực này sẽ có GDP lớn nhất", ông Kyncl nói.

Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản và Ấn Độ hiện nằm trong Top 10 thị trường có lượng người xem cao nhất. Riêng ở Ấn Độ có tới 500 kênh YouTube vượt qua ngưỡng 100.000 người đăng ký trong vòng một năm, ông Kyncl cho biết.

Hy vọng tận dụng được đà tăng trưởng này, YouTube đã đưa ra các tính năng giúp giải quyết những nhu cầu cụ thể của khu vực. YouTube lần đầu tiên giới thiệu chức năng ngoại tuyến ở Ấn Độ năm 2014, trước khi mở rộng dịch vụ này ra 80 thị trường trên toàn cầu. Gần đây, nền tảng đã triển khai ứng dụng "YouTube Go" ở Ấn Độ, cho phép người dùng xem nội dung video ngoại tuyến thông qua ứng dụng. Đầu năm nay, hãng tung ra một công cụ kiểm tra video mới tại Malaysia, cho phép người dùng kiểm tra chất lượng dữ liệu di động của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông khác nhau.

Các sản phẩm cụ thể theo vùng nhằm mục đích tiếp cận với những người dùng có kết nối và dữ liệu hạn chế. Đây là một phần của sáng kiến ​​lớn hơn với mong muốn có thêm 1 tỷ người sử dụng trực tuyến nữa.

"Chúng tôi liên tục cố gắng loại bỏ các trở ngại khỏi hệ thống, cho dù đó là nhà quảng cáo, người sử dụng, hay các công ty viễn thông", Kyncl nói.

Ngoài việc giúp người dùng châu Á dễ tiếp cận với nền tảng hơn, trang web này cũng đang đầu tư nội dung bản địa hoá cho dịch vụ xem video trả tiền, YouTube Red, được tung ra vào năm 2015.

Chẳng hạn như một series chương trình truyền hình thực tế mới có sự tham gia của ban nhạc Pop Big Bang Hàn Quốc là show truyền hình châu Á đầu tiên trên nền tảng này. Với nhan đề "Run, Big Bang Scout", series chương trình đã căn đúng thời điểm kỷ niệm 10 năm thành lập của ban nhạc. Nhóm nhạc năm thành viên này có hơn 7,1 triệu người đăng ký trên kênh YouTube của mình.

Mặc dù nền tảng không đưa ra con số cụ thể nhưng các nguồn YouTube nói rằng việc chuyển từ hình thức miễn phí sang thuê bao trả tiền được coi là thành công cho đến thời điểm này.

Ông Kyncl cho hay: "Những nhà phát triển nội dung của YouTube Red Originals sẽ có số lượng người đăng ký theo dõi và thời gian xem kênh tăng lên đáng kể”.

Sự tăng trưởng ở Châu Á phần lớn là nhờ các nhà cung cấp nội dung mong muốn tiếp cận với khán giả toàn cầu. Ví dụ, khoảng 90% thời gian xem K-pop xuất phát từ người xem ngoài Hàn Quốc. Và Clicknetwork, một kênh về phong cách sống có trụ sở tại Singapore, có hơn 1 triệu người đăng ký nhưng có gần một phần tư số người xem từ Mỹ.

Với hơn một tỷ giờ xem video mỗi ngày, YouTube sắp sửa vượt thời lượng xem của những kênh truyền hình trong nước. Tuy nhiên, sự mở rộng nhanh chóng của công ty đã dẫn đến những vấn đề đau đầu ngày càng gia tăng. Các nhà quảng cáo lớn bao gồm AT & T, Verizon, và Volkswagen gần đây đã ngừng quảng cáo trên nền tảng này sau khi một số quảng cáo bị treo trên các video nội dung cực đoan.

Công ty đã thực hiện một số thay đổi, bao gồm cho phép nhà quảng cáo kiểm soát nhiều hơn về vị trí quảng cáo xuất hiện trên nền tảng và các dịch vụ khác của Google. YouTube cũng tăng cường thuê thêm nhân viên và đầu tư vào trí thông minh nhân tạo để đẩy nhanh tiến trình xem xét nội dung.

"Chúng ta không thể thất bại ở đây", Kyncl nói. "Đây là ưu tiên số một mà chúng ta phải giải quyết."