Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, công nhận tối thiểu 10 vùng và 5 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt,100% diện tích đất quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao được thu hồi để triển khai các dự án; đồng thời hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh từ nguồn vốn xã hội hóa.
Trên tinh thần đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa ban hành Quyết định 3243/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án phân khu chức năng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Châu Đức.
Đây là phân khu chức năng vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Phân khu chức năng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Châu Đức có quy mô là gần 711ha, gồm khu vực I thuộc các thôn Sơn Hòa, Sơn Thuận, Xuân Tân thuộc xã Xuân Sơn với tổng diện tích là hơn 327ha; khu vực II thuộc ấp Tân Thành, xã Quảng Thành với tổng diện tích là hơn 383ha.
Tổng vốn đầu tư cho phân khu này khoảng 1.000 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa và một phần ngân sách của tỉnh.
Phân khu chức năng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Châu Đức được xây dựng với mục tiêu chính là hình thành được một số doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tạo ra mô hình điểm về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện đủ điều kiện ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến nông sản.
Việc này nhằm hỗ trợ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị và lan tỏa phát triển ngành nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Mục tiêu cụ thể như sau:
Đến sau năm 2025, hình thành và hoạt động ổn định vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Châu Đức với quy mô diện tích sản xuất các đối tượng gồm nhóm cây hàng năm chiếm 10-15% tổng diện tích canh tác nông nghiệp (ưu tiên sản xuất rau, hoa, nấm ứng dụng công nghệ cao), nhóm cây lâu năm chiếm 85-90% tổng diện tích canh tác nông nghiệp (sản xuất cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm ứng dụng công nghệ cao); trong đó, ưu tiên lựa chọn một số cây trồng chính thích hợp với vùng đất bazan như bơ, sầu riêng, mít, chuối, ca cao, hồ tiêu.
Bên cạnh đó, hình thành và xây dựng khu chế biến nông sản và phát triển dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 10-15ha; đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như hệ thống giao thông nội vùng, hệ thống điện, hệ thống hồ thủy lợi kết hợp sinh thái trữ nước đủ để sản xuất và mạng viễn thông cho ứng dụng nông nghiệp thông minh.
Đến năm 2025-2026, doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ được lấp đầy.
Phân khu chức năng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Châu Đức có chức năng tổng quát là vừa sản xuất, vừa hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành nông nghiệp huyện Châu Đức hiệu quả cao và bền vững trong giai đoạn mới.
Phú Mỹ