- Hàng triệu ha đất mà trong 10 năm chỉ nộp ngân sách được 1.800 tỉ đồng, không bằng một nhà máy, tính ra mỗi ha chỉ có 90.000 đồng, tức khoảng 10kg gạo.
Trình bày tại phiên họp của UBTVQH sáng nay về báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước nêu nhiều thực trạng.
Các nông, lâm trường hiện nay được nhà nước giao quản lý với diện tích đất đai khá lớn với 7.916.467 ha, trong đó có 2.410.970 ha rừng sản xuất; 638.985ha đất sản xuất nông nghiệp và 236.619ha đất chưa sử dụng.
"Song việc sử dụng đất kém hiệu quả, giao khoán sử dụng sai mục đích, sai đối tượng dẫn đến thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai, hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, năng suất, sản lượng trồng trọt đạt thấp, đóng góp nguồn thu cho xã hội và ngân sách nhà nước chưa tướng xứng với nguồn lực", ông Ksor Phước cho biết.
Phần lớn các nông, lâm trường chưa chuyển sang hình thức thuê đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, do đó cũng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định; các lâm trường được giao quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên còn để tình trạng rừng bị chặt phá, ngày càng nghèo kiệt; vẫn còn tình trạng để đất hoang hoá chưa sử dụng.
Theo ông Ksor Phước, việc thực hiện giao khoán rừng, đất lâm nghiệp và đất sản xuất nông nghiệp có biểu hiện vi phạm pháp luật như giao khoán đất nông, lâm nghiệp cho những người không thuộc đối tượng trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp.
"Nhiều nông, lâm trường, nhất là những nơi khoán trắng, không quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất sau khi giao khoán, để xảy ra tình trạng người nhận khoán đất của công ty nông, lâm nghiệp tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, tự ý xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ kiên cố trên đất nhận khoán là phổ biến, nhất là đất vùng ven đô thị...
Thậm chí một số nông, lâm trường để người nhận khoán chuyển nhượng đất cho người ở các thành phố, địa phương khác không nhằm mục đích sản xuất, kinh doanh nông nghiệp mà để đầu cơ, chờ cơ hội bán đất kiếm lời.
Giao bằng miệng, giữ khư khư
Chủ nhiệm UB Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, hàng triệu ha đất mà trong 10 năm chỉ nộp ngân sách được 1.800 tỉ đồng, không bằng một nhà máy, tính ra mỗi ha chỉ có 90.000 đồng, tức khoảng 10kg gạo.
Theo ông, ngày xưa các nông lâm trường được quản lý chặt chẽ nhưng giờ bắt đầu có chuyện thực hiện khoán, chia đất, có sự tùy tiện, phát sinh tiêu cực mà không xử lý được.
"Giao đất trên miệng, chẳng có giấy tờ sổ sách nên phát sinh tranh chấp. Nguyên nhân là chúng ta quy hoạch, chỗ nào cũng bảo đất của Nhà nước, đất nông lâm trường là đất công.
Đi tiếp xúc cử tri thì cử tri có rất nhiều ý kiến, vì cứ nói đất của Nhà nước, không làm được nhưng cứ giữ khư khư. Nếu giao đất giao rừng cho dân để người ta làm thì có lẽ đất trống đồi núi trọc đã được phủ xanh", ông Hiển nói.
Ông cũng kiến nghị QH nên dành kinh phí thỏa đáng để xác định lại đất đai của lâm trường, cái nào thực sự quản lý được thì giữ, không thì giao.
"Phải có sự chuyển giao, tổ chức lại quan hệ sản xuất và phương thức sản xuất trong các nông, lâm trường thì mới có hiệu quả kinh tế".
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng nêu lên việc lãng phí tài nguyên, lãng phí tiền của mà không có hiệu quả thì Chính phủ phải kiên quyết thu hồi.
"Có thể nói rằng đất đai nông lâm trường cơ bản là chúng ta không quản lý được. Phải yêu cầu các địa phương kiên quyết thu hồi, giao lại đất cho dân trồng lúa, trồng rừng, như vậy vừa giữ được biên giới, giữ được rừng và trồng cả được rừng. Dứt khoát phải thu hồi", ông Huỳnh Ngọc Sơn kiến nghị.
Hồng Nhì