Cụ thể, Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC) của Bình Phước hiện đã tích hợp 11 hệ thống gồm: Hệ thống giám sát, điều hành chỉ tiêu báo cáo thống kê kinh tế - xã hội; Hệ thống giám sát điều hành dịch vụ hành chính công; Hệ thống giám sát, điều hành lĩnh vực Y tế; Hệ thống giám sát, điều hành lĩnh vực Giáo dục; Hệ thống giám sát quản lý, sử dụng đất đai, qui hoạch xây dựng; Hệ thống giám sát, điều hành thông tin báo chí, mạng xã hội; Hệ thống giám sát, điều hành du lịch thông minh; Hệ thống an toàn an ninh thông tin; Hệ thống Camera an ninh và giao thông; Hệ thống tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin qua Tổng đài thông tin dịch vụ công 1022; Hệ thống ứng cứu khẩn cấp EOC (113, 114, 115). Đồng thời tỉnh cũng đã triển khai 10 IOC cấp huyện. 

vienthongBP
Phát triển hạ tầng viễn thông biên giới, điểm sáng của Bình Phước. Ảnh: Baobinhphuoc

Việc phát triển hạ tầng viễn thông cũng được Bình Phước chú trọng, với hạ tầng băng rộng cố định, trên địa bàn tỉnh đã có 843/843 thôn, ấp có hạ tầng băng rộng cố định, đạt tỷ lệ 100%.

Hạ tầng băng rộng di động, mạng di động 3G/4G đã phủ sóng 843/843 thôn, ấp đạt tỷ lệ 100%. Tại khu vực trung tâm 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, Viettel Bình Phước và VNPT Bình Phước đã triển khai lắp đặt hơn 70 trạm 5G.

Ngoài ra các doanh nghiệp thường xuyên bổ sung các trạm lưu động tại các khu vực lễ hội để phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc của người dân.

Một điểm sáng ở Bình Phước nữa, đó chính là phát triển hạ tầng viễn thông khu vực tuyến biên giới, khi hiện mạng di động băng rộng đã phủ sóng tuyến đường tuần tra biên giới, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Qua khảo sát của các đơn vị viễn thông, khu vực biên giới cần triển khai 54 trạm phát sóng thông tin di động trên chiều dài 176km; hiện trên đường tuần tra biên giới tỉnh đã có 36 trạm phát sóng thông tin di động đang hoạt động, dự kiến trong tháng 1/2025 sẽ hoàn thành phủ sóng di động toàn khu vực biên giới để phục vụ người dân, giao thương, an ninh biên giới.

Ngoài ra, Bình Phước cũng tiến hành trang bị hệ thống truyền thanh thông minh cho các xã, phường, thị trấn, khi đã triển khai thực hiện và đã lắp đặt được 1.484 cụm loa với 3.423 loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông cho các địa phương cấp xã, bước đầu cải thiện rõ nét chất lượng, hiệu quả của hệ thống thông tin cơ sở.

Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh Bình Phước được thiết kế và thuê vận hành với tiêu chuẩn, sử dụng công nghệ ảo hóa, bảo đảm năng lực tính toán và dung lượng lưu trữ phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, và đang được nâng cấp, mở rộng.

Trung tâm được trang bị các hệ thống giám sát bảo đảm an toàn thông tin (SOC), quản lý vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 27001:2013, triển khai mô hình “4 lớp” an toàn thông tin chia sẻ dữ liệu giám sát an toàn thông tin với Trung tâm Giám sát không gian mạng quốc gia.

Đặc biệt đối với các ứng dụng trước khi đưa vào sử dụng có kiểm thử an toàn thông tin và được giám sát, kiểm tra thường xuyên trong hoạt động. 

Bình Phước cũng đã triển khai rà soát tổng thể mạng lưới, dịch vụ (thiết bị, phần mềm, hạ tầng, hệ thống DNS ...) và hoàn thành xây dựng phương án triển khai ứng dụng IPv6 cho mạng chuyên dùng, Trung tâm tích hợp dữ liệu và các cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến.