Bình Dương là địa phương đầu tiên tại Việt Nam trở thành thành viên của ICF vào năm 2018, mở ra cơ hội thiết lập quan hệ quốc tế mạnh mẽ hơn với cộng đồng thông minh toàn cầu nhằm mục đích trao đổi thông tin, kinh nghiệm và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc tại Bình Dương.

Với sự hỗ trợ của chính quyền thành phố Eindhoven (Hà Lan), hợp tác với Brainport Group (Hà Lan) và Tổng Công ty Becamex IDC cũng như nhiều đơn vị khác, nhiều hội thảo và chuyến thăm thực địa đã được tổ chức, các ý kiến được thu thập từ các chuyên gia, cuối năm 2016 tỉnh Bình Dương đã phê duyệt Đề án TPTM Bình Dương với hạt nhân là Thành phố mới Bình Dương.

Sau 04 năm triển khai thực hiện, Đề án TPTM Bình Dương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, ba năm liền 2019, 2020 và 2021, Bình Dương được vinh danh trong 21 địa phương có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu của thế giới.

{keywords}
Bình Dương sẽ thực hiện 12 cụm dự án trọng điểm trong năm nay.

Để tiếp nối và mở rộng hơn nữa Đề án, Bình Dương tiếp tục triển khai Đề án "Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương - Binh Duong Innovation Region" với kỳ vọng sẽ tạo ra đòn bẩy nhằm thúc đẩy và xây dựng nền tảng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và rộng hơn là văn hóa đổi mới sáng tạo bền vững.

Đây được xem là "bàn đạp" giúp Bình Dương xây dựng một môi trường hấp dẫn cho các nhà khởi nghiệp, các công ty công nghệ, tiếp tục tham gia vào các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới… Từ đó sẽ nâng cấp nền sản xuất hiện tại, tạo ra các công cụ sản xuất mới và phát triển đồng đều trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, dần tăng tỷ trọng kinh tế số.

12 cụm dự án trọng điểm

Trong giai đoạn 2020-2030, Đề án "Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương - Binh Duong Innovation Region" là một mô hình hoàn toàn mới, phù hợp với thực tiễn của Bình Dương với sự vận dụng và đúc kết từ những thành tựu của các vùng đổi mới sáng tạo như Deajeon - Daedeok Innopolis (Hàn Quốc), Brainport Eindhoven (Hà Lan).

Đây cũng là nội dung trọng tâm trong xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương cho giai đoạn tiếp theo, là đề án đột phá tích hợp bao gồm các khu vực chức năng như văn phòng quản lý trung tâm; đô thị khoa học; Khu công nghiệp Khoa học công nghệ; Trung tâm Thương mại Thế giới tại Thành phố mới Bình Dương (WTC BDNC)

Trong năm 2021 đề án Thành phố thông minh Bình Dương sẽ tập trung thực hiện 12 cụm dự án trọng điểm sau:

Thứ nhất, hoàn thành việc xây dựng Đề án Thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2026, trong đó đặc biệt chú trọng cập nhật các chương trình mới và quy hoạch Vùng Đổi mới Sáng tạo Bình Dương.

Thứ hai, tiếp tục phát triển mô hình Ba Nhà, xem đây là mô hình nền tảng trong quá trình phát triển thành phố thông minh trong giai đoạn mới.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng tính hiệu quả, hiệu lực, thể hiện được sự minh bạch tin cậy, kết nối và giải quyết nhanh chóng các vấn đề về kinh tế - xã hội, đặc biệt trong giai đoạn Bình Dương đang chuyển mình để đáp ứng và phát triển vượt bậc, hòa mình với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ tư, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước xây dựng và kết nối các thành phần trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng vào thực tiễn. Đây là nền tảng tiên quyết, tạo tiềm lực để đột phá, là chìa khóa thu hút đầu tư trong tương lai. Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục đẩy mạnh đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tại Bình Dương đến 2025; vận hành Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp ngày càng hiệu quả, tăng về lượng và chất; kết nối hệ thống các phòng thí nghiệm chế tạo (Fablab) trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động ổn định…

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng logistics đường sông, đường sắt, đồng thời nhanh chóng đưa các giải pháp nâng cấp hệ thống hạ tầng đường bộ, giảm áp lực kẹt xe, tăng cường liên kết vùng, giảm thời gian và giá thành vận chuyển, kịp thời đón làn sóng đầu tư mới trong thời gian tới.

Thứ sáu, quyết liệt triển khai Trung tâm Điều hành Thành phố thông minh, có thể kết nối tất cả các thiết bị ngoại vi, cung cấp dữ liệu, xử lý sự cố khẩn cấp và điều hành tập trung theo quy trình thu thập thông tin, xử lý thông tin, dự báo tình huống và thực thi hành động một cách nhanh chóng nhất, góp phần tạo ra môi trường sống và làm việc của người dân tốt hơn, quản lý nhà nước hiệu quả hơn.

Sở Thông tin và Truyền thông trong năm 2021, hoàn thành thủ tục xây dựng trụ sở Tòa nhà Trung tâm điều hành Thành phố thông minh của tỉnh; hoàn thành triển khai dự án đầu tư thiết bị cho Trung tâm điều hành đô thị thông minh giai đoạn 1; phối hợp Sở Y tế hoàn thành triển khai thí điểm lắp đặt các thiết bị y tế có kết nối IoT phục vụ cấp cứu ngoại viện của Trung tâm điều hành cấp cứu thông minh 115; phối hợp Sở Giao thông Vận tải hoàn thành xây dựng phương án kỹ thuật và trình dự án đầu tư hệ thống truyền dẫn phục vụ camera và IoT cho đô thị thông minh.

Thứ bảy, tiếp tục hoàn thiện Hệ thống thông tin địa lý (GIS) trên địa bàn tỉnh Bình Dương với mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu không gian và hệ thống phần mềm ứng dụng hỗ trợ khai thác dữ liệu nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng và hạ tầng kỹ thuật đô thị trong tỉnh.

Thứ tám, truyền thông và định vị thương hiệu Bình Dương thông qua Đề án Thành phố thông minh và các dự án cụ thể, từ đó đẩy mạnh thu hút đầu tư thời kì mới. Các hoạt động tuyên truyền cần có thông điệp cụ thể, rõ ràng, có chiều sâu, phù hợp với thời kì 4.0 và bối cảnh Covid-19, kịp thời và được truyền trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, đến được với đối tượng người dân.

Thứ chín, phát triển Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương với các chiến lược cụ thể đã được phê duyệt, trong đó đặc biệt chú trọng dự án Khu Công nghiệp Khoa học Công nghệ Bình Dương. Với tầm nhìn trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, Khu Công nghiệp Khoa học Công nghệ cần được quy hoạch như một hệ sinh thái toàn diện cho các hoạt động thâm dụng công nghệ và tri thức như: Giáo dục và đào tạo, nghiên cứu phát triển, thương mại hóa công nghệ, sản xuất tiên tiến, đồng thời có môi trường sống thân thiện.

Thứ mười, tiếp tục kết nối quốc tế, xúc tiến thương mại trong điều kiện Covid-19; tổ chức các sự kiện tầm thế giới, tùy vào điều kiện để tổ chức theo hình thức phù hợp, nhằm xúc tiến thu hút đầu tư, trao đổi học hỏi kinh nghiệm, công nghệ, nhân lực… và định vị thương hiệu Bình Dương trên trường quốc tế. 

Thứ mười một, tiếp tục xây dựng và phát triển Làng thông minh - là một xu hướng chung trên thế giới, nhằm đưa khu vực nông thôn vươn lên không thua kém đô thị về sức sản xuất, tính cạnh tranh, an sinh xã hội,… sử dụng các giải pháp sáng tạo dựa trên thế mạnh và cơ hội của địa phương; trong đó cộng đồng tham gia, chia sẻ để phát triển và thực hiện mục tiêu cải thiện các điều kiện kinh tế - xã hội và môi trường, đặc biệt trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số.

Thứ mười hai, tiếp tục đăng kí và giữ vững danh hiệu Smart 21 của ICF (top 21 khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu), đồng thời tiến hành đăng kí thử nghiệm danh hiệu Top 7. Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, cùng Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP và các sở, ngành liên quan hợp tác chặt chẽ với đối tác Eindhoven, triển khai công tác với ICF.

Mục tiêu cụ thể trong năm 2021, phấn đấu triển khai được ít nhất 3 dự án cụ thể, mang đến hiệu quả rõ ràng, trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai các dự án nền tảng và xây dựng Đề án để thực hiện giai đoạn tiếp theo, trong đó hướng trọng tâm đến lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp 4.0, tăng trưởng thông minh.

Tiếp tục hoàn thiện mô hình hợp tác Ba Nhà, kiện toàn tổ chức của đề án Thành phố thông minh giai đoạn tiếp theo; tăng cường hợp tác ba bên trong tất cả các hoạt động và khuyến khích phát huy tinh thần chủ động đề xuất các dự án, chương trình mới. Tuyên truyền kế hoạch xây dựng Thành phố thông minh trong giai đoạn mới đến tất cả các thành phần xã hội, thu hút thêm sự tham gia từ cộng đồng, phát huy sức mạnh tập thể.

Cửu Long