Kết quả khảo sát gần 5.000 doanh nghiệp trên cả nước theo 4 tiêu chí (gồm nguồn nhân lực và hạ tầng ICT; giao dịch  giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng B2C; Giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp B2B và giao dịch giữa Chính phủ với doanh nghiệp G2C) là căn cứ để Hiệp hội TMĐT Việt Nam xây dựng chỉ số TMĐT 2015 (EBI 2015).

Ông Nguyễn Kỳ Minh, Chánh văn phòng Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho hay, khảo sát cho thấy TMĐT năm 2015 đã phát triển nhanh, sâu rộng, thâm nhập vào mọi lĩnh vực kinh doanh và trở thành một trong những kết cấu hạ tầng quan trọng trong lĩnh vực thương mại và của xã hội thông tin. Một số doanh nghiệp hàng đầu về TMĐT có tốc độ tăng trưởng trên 200%.

Cũng theo kết quả khảo sát, nguồn nhân lực triển khai TMĐT tại các doanh nghiệp đã tăng lên qua các năm. Năm 2015 có 82% doanh nghiệp cho biết có nhân viên chuyên trách về CNTT và TMĐT. Tỷ lệ này năm 2014 là 62% và năm 2012 là 51%. Những lĩnh vực kinh doanh có tỷ lệ lao động chuyên trách cao nhất là giải trí (97%); CNTT-TT (93%); tài chính và bất động sản (92%); y tế, giáo dục và đào tạo (90%). Tỷ lệ thấp nhất thuộc về lĩnh vực năng lượng, khoáng sản (72%).

Năm 2015, tại các doanh nghiệp lớn có 27% doanh nghiệp có trên 50% nhân viên thường xuyên sử dụng email trong công việc, tỷ lệ này tại các doanh nghiệp và và nhỏ là 41%.

Liên quan đến tuyển dụng có kỹ năng về CNTT và TMĐT, năm 2015 có 24% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn. So sánh với tỷ lệ 27% của năm 2014 và 29% của năm 2013 có thể thấy các doanh nghiệp thuận lợi hơn khi tuyển dụng lao động cho CNTT và TMĐT.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển mang tính số lượng của nguồn nhân lực triển khai TMĐT tại các doanh nghiệp, Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho rằng, sự thay đổi về chất lượng nguồn nhân lực chưa rõ ràng và nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng  được phát triển TMĐT theo chiều sâu.

Cụ thể, xét trên cơ cấu đầu tư, trong cả giai đoạn 2012 - 2015, đầu tư nói chung cho nguồn nhân lực CNTT và TMĐT không thay đổi ở mức 17% tổng đầu tư, bao gồm đầu tư phần cứng, phần mềm và các khoản đầu tư khác. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc triển khai các giải pháp và phần mềm hỗ trợ kinh doanh như quan hệ khách hàng (CRM), quản trị chuỗi cung ứng (SCM) hay quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) không có sự thay đổi đáng kể nào trong vài năm gần đây. Trong khi đó, việc triển khai TMĐT hiệu quả và quy mô lớn không thể không ứng dụng các giải pháp này. Nhân viên phụ trách TMĐT tại các doanh nghiệp chủ yếu chỉ dừng lại ở các hoạt động tiếp thị, bán hàng và chăm sóc khách hàng một cách đơn giản, chưa ứng dụng các công nghệ và giải pháp tiên tiến.

Bên cạnh đó, trong khi lợi ích chung của việc tham gia sàn TMĐT là khá rõ ràng ở phạm vi toàn cầu thì tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các sàn TMĐT ít biến động. Xu hướng này cho thấy nhân sự phụ trách TMĐT ở phần lớn doanh nghiệp chưa có kỹ năng cần thiết để kinh doanh hiệu quả trên môi trường sàn TMĐT.

Đáng chú ý, mặc dù nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của website đối với hoạt động kinh doanh nhưng còn 11% doanh nghiệp có tần suất cập nhật thông tin lên website hàng tháng, thậm chí 17% doanh nghiệp hầu như không bao giờ cập nhật thông tin kinh doanh. Đây là do có tới 66% doanh nghiệp chưa cử nhân viên phụ trách vận hành website; đồng thời cũng cho thấy nahn viên chưa có chuyên môn phù hợp để vận hành website một cách hiệu quả. “Tình trạng doanh nghiệp thuê xây dựng website sau đó không chăm sóc công cụ hữu ích này có thể còn tiếp diễn trong nhiều năm tới”, Hiệp hội TMĐT nhận định.