Trong khuôn khổ “Diễn đàn Ẩm thực Việt Nam 2023” do Hiệp hội Ẩm thực TP.HCM tổ chức chiều 11/1, ông Nguyễn Quang Huy - Chủ tịch Diễn đàn hợp tác Việt-Hàn cho hay, món kim chi của Hàn Quốc từ những năm 2000 đã có giá trị xuất khẩu khoảng 500 triệu USD/năm, tới nay là nhiều tỷ USD.
Trong khi đó, dưa muối hay cà muối Việt Nam lại không hề kém cạnh về độ ngon so với kim chi. Mặt khác, ẩm thực Hàn Quốc cũng không đa dạng, phong phú về nguyên liệu như Việt Nam. Nước bạn chỉ có vài trăm món ăn trong khi riêng ẩm thực Cung đình Huế đã có tới 2.000-3.000 món, ẩm thực TP.HCM cũng vậy.
Theo ông Huy, cần học cách xây dựng văn hóa, thương hiệu như nền ẩm thực như Hàn Quốc. Việt Nam có thể trở thành bếp ăn lớn của thế giới bởi chúng ta có quá nhiều món ăn ngon, rẻ. Chuyên gia ẩm thực, đầu bếp, hệ thống nhà hàng trong nước cần đổi mới, sáng tạo từ những nguyên liệu đang có, từ đó, định vị thương hiệu, xuất khẩu ẩm thực Việt Nam ra thế giới, đồng thời, thu hút du khách khắp thế giới tới du lịch.
Chủ tịch Diễn đàn hợp tác Việt-Hàn đưa ra một dẫn chứng đáng suy ngẫm, 18 năm trước, ông đưa đoàn gồm 50 nhà đầu tư Hàn Quốc đến Việt Nam dự hội nghị, tìm hiểu cơ hội hợp tác. Sau 3 ngày diễn ra sự kiện, vui chơi ở Việt Nam, họ ra sân bay mà tiền trong túi vẫn còn nguyên.
“Sau 18 năm, tôi gặp lại họ vào tháng 7/2021, họ đến Việt Nam dự hội nghị, lúc về tiền vẫn còn như vậy. Điều này chứng tỏ du khách không biết tiêu tiền vào việc gì. Đây là vấn đề cần giải quyết, cần kết hợp chặt giữa du lịch và ẩm thực”, ông Huy nói.
Tương tự, Tân Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Việt, cho rằng, phải quảng bá hơn nữa văn hóa ẩm thực, đặc sản vùng miền, món ăn đặc trưng của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đến cộng đồng F&B (Food & Beverage – ngành ăn uống) và quảng bá ra thế giới. Cần tạo không gian để các doanh nghiệp, du khách trong nước, quốc tế vừa thưởng thức ẩm thực, vừa trải nghiệm văn hóa Việt. Sự phục hồi du lịch của TP.HCM và cả nước sẽ giúp ngành ẩm thực, các nghệ nhân, đầu bếp nâng cao tay nghề, mở rộng hợp tác đầu tư với giới doanh nhân, doanh nghiệp, góp phần nâng tầm ẩm thực Việt cạnh tranh với các nền ẩm thực đã phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho hay, TP.HCM hiện có khoảng 16.000 cơ sở phục vụ ăn uống, nhà hàng có địa chỉ cố định; 15.800 điểm dịch vụ, quán ăn đường phố… Đây là hạ tầng đa dạng, phong phú để phát triển ngành F&B. Sở chức năng rất mong muốn đưa ẩm thực gắn liền với du lịch Việt Nam, gắn với các hoạt động về đêm, đem lại giá trị kinh tế, tăng thu cho du lịch địa phương.
Hiện, quận 11 đã đưa trải nghiệm thưởng thức món sủi cảo trên đường Hà Tôn Quyền vào tour du lịch; quận 3 phát triển tuyến phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền; quận Phú Nhuận đầu tư mạnh để biến tuyến đường Phan Xích Long trở thành điểm đến ẩm thực của thành phố, gắn liền với tour của du khách trước khi ra sân bay. Bên cạnh đó, tiềm năng các địa phương khác của thành phố cũng đang dần được khai thác, theo vị lãnh đạo Sở.