- Rà soát 182 mặt hàng sữa của 6 công ty vừa đăng ký giá tới Bộ Tài chính, có ít nhất 2 hãng sữa muốn giá bán lẻ tăng kịch trần so với giá bán buôn là 15%, nhưng 3 hãng khác chỉ tăng 10-13%, thậm chí chỉ "ăn lãi" 5%.
Bộ Tài chính vừa cho biết, tính tới ngày 18/6, đã có 6 công ty với 182 mặt hàng sữa kê khai giá bán lẻ khuyến nghị dành cho hệ thống cửa hàng bán lẻ.
Trong đó, hai hãng tăng giá bán lẻ kịch trần theo quy định, chênh 15% so với giá bán buôn là công ty sữa Nestle sở hữu nhãn hiệu Nan và Lactogen, Mead Jonhson với nhãn hiệu Enfamil và Enfagrow.
Công ty Friesland Campina, nhãn hiệu sữa Cô gái Hà Lan (Dutch Lady) và Friso chỉ tăng giá bán lẻ so với giá bán buôn từ 10-11%, Công ty CP TM&PT Organic Việt, với nhãn hiệu sữa Baby's Only Organic và Pedia Smart có giá bán lẻ chỉ tăng 13-14%. Đặc biệt, sữa Abbott và Similac do công ty Dinh Dưỡng 3A phân phối tăng thấp nhất, chỉ chênh 5% so với giá trần bán buôn.
So sánh cụ thể, thứ hạng các dòng sữa vẫn như hiện nay.
Ví dụ, cùng là trọng lượng hộp 900g, sữa Lactogen complete 3 LE100-1 VN của Nestle có giá thấp nhất thị trường mức 183.800 đồng/hộp. Nhỉnh hơn một chút, những vẫn thuộc dòng sữa bình dân là Dielac Alpha 123 HT của Vinamilk, tăng 15% so với giá bán buôn thì cũng sẽ chỉ ở mức 192.000 đồng/hộp. Sữa Dutch Lady Sáng Tạo hộp 900g của Friesland Campina có giá hữu nghị nhất chỉ 201.000 đồng.
Với dòng sữa cao cấp hơn một chút, hãng Mead Johnson có mức giá bán lẻ rẻ nhất cũng phải trên 300.000 đồng/hộp, như Enfagrow A+ 4 có giá hơn 339.000 đồng. Sữa rẻ nhất của hãng Abbott là Abbott Grow 3 cũng có giá bán lẻ khuyến nghị lên tới 271.000 đồng/hộp.
Trong khi đó, các dòng sữa được bổ sung thêm vi chất như DHA, AHA, Omega nhằm phát triển trí não, hoặc các vi sinh vật Probiotics hỗ trợ hệ tiêu hoá, phòng chống bệnh biếng ăn của trẻ có giá cao gấp 2-3 lần so với dòng thông dụng.
Ví dụ, thuộc phân khúc hạng bình dân là Nestle và Vinamilk, mức giá dao động của các loại sữa đặc biệt đều trên dưới 400.000 đồng/hộp. NAN Pro 3 LEB047 Tin VN là mặt hàng có giá cao nhất của Neslte, dự kiến mức giá bán lẻ 384.000 đồng/hộp. Hay dòng sữa Optimum và Pedia của Vinamilk, mức giá cao nhất là 407.000 đồng/hộp. Sữa Friso Gold của Friesland Campina cũng dao động khoảng 450.000 đồng/hộp.
Ở phân khúc hạng cao cấp hơn, giá các loại sữa đặc biệt rất đắt, như Enfamil A+1 360 độ Brain Plus của Mead Jonhson có giá cao nhất của hãng đối với loại 900g là 538.144 đồng/hộp. Với trọng lượng chỉ 820g, nhưng mặt hàng Similac Gain Total Comfort của Abbott đã có giá tới 590.000 đồng.
Loại sữa trọng lượng 900g có giá đắt nhất trên thị trường là sữa Baby's Only Organic và Pedia Smart của Công ty CP TM&PT Organic Việt phân phối đều ở mức giá 710.000 đồng/hộp.
Theo ghi nhận, nhiều hãng sữa cũng tung ra các sản phẩm trọng lượng lớn 1,7 - 1,8 - 2kg với giá từ 700.000-800.000 đồng/hộp. Đồng thời, nhiều loại sữa được đóng gói trọng lượng nhỏ với giá bán lẻ chỉ trên dưới 10.000 đồng/hộp như loại 59ml, 115ml .
Tuy nhiên, đến nay, giá bán lẻ thực tế ngoài thị trường hầu như vẫn chưa giảm. Các hãng sữa đều yêu cầu hệ thống bán lẻ của mình chờ đúng đến ngày 21/6, thời hạn cuối cùng cho việc áp trần bán lẻ thì mới bắt đầu giảm giá chính thức. Cũng có vài hãng đã giảm giá bán lẻ sớm như Abbott hay Vinamilk nhưng chỉ áp dụng đối với các mặt hàng trong số 25 mặt hàng bị điểm tên trong Quyết định áp giá trần của Bộ Tài chính.
Ngày 18/6, Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) đã gửi các công văn tới các Sở Tài chính địa phương và Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương để cung cấp bảng giá trần trên của 6 công ty. Đây sẽ là một trong những căn cứ để lực lượng chức năng liên ngành có thông tin khi kiểm tra việc thực hiện ngoài thị trường. Cục này cũng đề nghị các Sở Tài chính cần công bố công khai hệ thống giá trần bán lẻ sữa trên các phương tiện thông tin.
Phạm Huyền