Cuộc chiến tuổi dậy thì và Ataturk - người khai sinh nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại là 2 cuốn sách đầu tiên ra mắt mở màn trong buổi khai mạc Triển lãm - Hội chợ sách Quốc tể lần thứ 5 tại Hà Nội ngày 10/9.


Ataturk - người khai sinh nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại là một công trình khổng lồ mang tính lịch sử văn hóa. Cuốn sách này phản ánh cặn kẽ một xã hội quân sự của thế giới Hồi giáo được thiết lập từ truyền thống đến hiện đại...

Trong thế kỷ XX, trên thế giới xuất hiện những nhân vật được xem là nhà kiến tạo quốc gia vĩ đại, những người lên nắm quyền khi đất nước đang trong giai đoạn hỗn loạn khủng khiế,. Họ đã hiện đại hóa đất nước bằng cách xây dựng hệ thống mới và đạt được tăng trưởng nhanh kéo dài. Ở châu Á có thể kể đến Lý Quang Diệu của Singapore, Park Chung Hee của Hàn Quốc, Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc đại lục; ở châu Âu có Mustafa Kemal Atatürk của Thổ Nhĩ Kỳ…

{keywords}
Các khách mời tham gia lễ ra mắt Ataturk - người khai sinh nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại 

Sau Thế chiến I, Ataturk lên nắm quyền vương quốc Ottoman cổ đang tan rã, củng cố một số vùng lãnh thổ biên giới còn lại và xây nên những định chế mới nhằm biến đổi Thổ Nhĩ Kỳ thành một quốc gia hiện đại, mang phong cách phương Tây và hướng đến phương Tây. Ông thành lập quốc hội lâm thời năm 1920 khi 39 tuổi, tuyên bố quốc gia độc lập năm 1923 và tiếp tục cầm quyền đến khi mất năm 1938.

Trong 18 năm cầm quyền, Ataturk đã thực hiện những cải cách triệt để theo hướng áp dụng văn hóa hiện đại hoàn toàn vô thần. Các giám mục tôn giáo bị loại bỏ, các trường tôn giáo riêng bị đóng cửa, giáo dục được thế tục hóa và tòa án tôn giáo bị xóa bỏ. Ông áp dụng hệ thống tư pháp mới, với các bộ quy định về luật thương mại, hàng hải và tội phạm dựa trên luật dân sự Thụy Sĩ và luật hình sự Italy.

Năm 1928, Ataturk xóa bỏ vai trò tôn giáo chính thức của Hồi giáo khỏi Hiến pháp. Trong mối quan hệ nhạy cảm và lộn xộn giữa thế giới Ả Rập và các tộc người thiểu số như Kurd với một đế chế của thế giới Hồi giáo cũ đang đứng giữa những giao tranh của phương Đông và phương Tây, Kitô giáo và Hồi giáo, Ataturk đã tạo được những thay đổi vĩ đại. Và câu chuyện cuộc đời ông thật sự là một huyền thoại về “một con người vừa được tôn sùng và cũng vừa đáng khiếp sợ”.

Cuộc chiến tuổi dậy thì có thể coi là những dòng nhỏ xinh dí dỏm và chân thật trích từ nhật kí của một bà mẹ đã và đang trải qua những giờ phút “dở khóc dở cười” với cậu con trai mới bước vào tuổi dậy thì. Nuôi dạy con ở giai đoạn nào cũng khó nhưng tuổi dậy thì với những biến chuyển ở cả tâm và sinh lí của đứa trẻ trong một môi trường xã hội không ngừng biến động là cả một thách thức với hầu hết các bậc cha mẹ, ngay cả với những người làm công tác giáo dục.

{keywords}
Tác giả Nguyễn Thị Phương Hoa hài hước kể về quá trình làm "mẹ ác" của mình.

Không tuân theo một ý đồ răn dạy hay trình bày sản phẩm, triết lí giáo dục gì, cuốn sách mang dáng vóc của những lời tự thuật, tự trào và cả tâm tình về tuổi mới lớn mà tác giả được chứng kiến và tham dự với tư cách người trong cuộc. Khởi đầu là những kí ức về sự ra đời của “chàng tí hon khổng lồ”, những trải nghiệm đầu tiên với trường lớp và những nét cá tính rất thú vị có thể bắt gặp ở những chú bé hiếu động và hoạt bát. 

Tiếp theo, tác giả khắc họa những trải nghiệm trong môi trường lớp học chính quy cũng như những mảng tính cách tương phản trong cùng một đứa trẻ - khi thì cục cằn nóng nảy, lúc lại tình cảm, “ga lăng” và chững chạc đến ngạc nhiên. Điều này dự báo những gì đến trong phần sau – chân dung một cậu bé đang bước vào tuổi dậy thì, cũng là phần chính của câu chuyện. 

Người đọc sẽ được cuốn vào đủ những cung bậc cảm xúc mà tác giả đã trải qua cùng cậu con trai của mình và chắc hẳn cũng sẽ nhận ra hình dáng của chính mình trong những câu chuyện nhỏ. Song song với những “sự vụ” khiến cho “người ngoài cười ngặt, người trong khóc òa”, tác giả cũng len vào những mẹo ứng xử bình tĩnh và sáng suốt để tình thế luôn nằm trong kiểm soát, như một cách gợi ý cho những bậc cha mẹ đang cảm thấy bối rối khi đối mặt với tuổi dậy thì của con mình. 

Cuối cùng, khép lại cuốn sách là lời chia sẻ về những cá nhân không bao giờ vắng mặt trong quá trình trưởng thành nhân cách của cậu bé, nói cách khác chính là cha mẹ và chị, những mô hình nhân cách bên cậu mọi lúc mọi nơi và góp phần điều chỉnh, uốn nắn hành vi của cậu theo những cách phù hợp.

T.Lê