Ngày 26/7, ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho biết vừa xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tại thôn 2 và thôn 4 (xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam).

Vụ thứ nhất xảy ra tại phòng trọ của vợ chồng anh H.V.N (trú thôn 2; tạm trú quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Trưa 21/7, vợ chồng anh N. tổ chức dùng cơm trưa cùng 2 đồng nghiệp gồm anh H.V.Đ và anh H.V.Q.

Trong các món ăn có cá niên do anh đánh bắt tại suối Nước Mỹ thuộc xã Phước Chánh mang về Đà Nẵng tự làm ủ chua.

Nhiều vụ ngộ độc do ăn cá muối ủ chua ở Quảng Nam thời gian qua. Ảnh: B.V.

Tối cùng ngày, chị H. (vợ anh N.) có triệu có triệu chứng buồn nôn, khó thở, đại tiểu tiện khó và được đưa đến Trung tâm Y tế quận Sơn Trà theo dõi, điều trị. Sáng 24/7, chị khó thở, nhìn mờ, bụng chướng nên được chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng để tiếp tục điều trị.

Cùng lúc đó, rạng sáng 22/7, anh H.V.Đ có biểu hiện buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu, đau họng, choáng, không ăn uống được. Anh Đ. được bạn cùng phòng chở từ Đà Nẵng về lại Phước Sơn để nhập viện điều trị.

Ngày 24/7, bệnh nhân vẫn mệt, ăn uống kém, nhìn mờ, bụng chướng và được chuyển lên tuyến trên (Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam) để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Vụ thứ hai xảy ra vào tối 23/7 tại thôn 4. Theo thông tin ban đầu, trưa 23/7, em H.V.Q (14 tuổi) cùng 6 người ăn cơm trong rừng. Trong bữa ăn có món cá thập cẩm (ca niên, cá rô, cá trắng) do một người trong nhóm tự đánh bắt tại suối Nước Mỹ và làm ủ chua.

Tối cùng ngày, Q. đau đầu, buồn nôn, choáng, mệt mỏi. Trong ngày 24/7, chàng trai này không ăn uống được, buồn nôn và được anh trai đưa vào khoa Cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn.

Tại đây, Q. được chẩn đoán ngộ độc thực phẩm, viêm dạ dày với biểu hiện người mệt, buồn nôn, mắt nhìn mờ. Sau đó, bệnh nhân được truyền dịch và chuyển lên tuyến trên (Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam).

Trước đó, từ ngày 7-16/3, huyện miền núi Phước Sơn xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cá chép muối ủ chua làm 1 người tử vong, 9 người nhập viện cấp cứu.