- Việt Nam phấn đấu kiềm chế lạm phát dưới 10% vào 2012, đến 2015 xuống còn 5-7%, và mức tăng GDP là 6-6,5%. Đến năm 2015, nợ công khoảng 60-65% GDP.


Tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội sáng nay (20/10), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo trước Quốc hội tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, kế hoạch năm 2012 và 5 năm 2011-2015.

Chậm tái cấu trúc kinh tế

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, Thủ tướng cho rằng, khó khăn và thách thức đều lớn hơn so với dự báo.


“Chính phủ đã phân tích kỹ tình hình, tham vấn các chuyên gia và ngay đầu tháng 2 đã ban hành nghị quyết 11 về những giải pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới”.

Thực tế, 9 tháng qua, Thủ tướng cho rằng, lạm phát giảm dần, kinh tế vĩ mô có bước chuyển biến tích cực. Trong khó khăn, sản xuất kinh doanh được duy trì và tiếp tục phát triển; tập trung chăm lo đảm bảo an sinh - xã hội, phúc lợi xã hội, và giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc. Hoạt động khoa học, công nghệ đạt được những kết quả tích cực, công tác bảo vệ môi trường được quan tâm chỉ đạo. Cải cách hành chính đạt những kết quả thiết thực, phòng chống tham nhũng được quan tâm chỉ đạo. Chính trị xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, công tác đối ngoại đạt được những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 chưa hoàn thành.

Thủ tướng chỉ rõ, kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lạm phát và lãi suất tín dụng còn cao, nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng, thanh khoản của một số ngân hàng thương mại khó khăn, dự trữ ngoại hối thấp, áp lực đối với tỉ giá còn lớn, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản giảm sút. Sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn.

Việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm.

Văn hóa, xã hội còn nhiều mặt bức xúc. Đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, người lao động có thu nhập thấp, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi.

Thủ tướng thừa nhận, “nguyên nhân chủ yếu gây lạm phát cao ở nước ta là do hệ quả của việc nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa kéo dài trong nhiều năm để đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, và phúc lợi xã hội trong khi cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư còn kém hiệu quả, cùng những hạn chế trong quản lý điều hành và tác động cộng hưởng của các yếu tố tâm lý”.

Để kiềm chế lạm phát, phải kiên quyết khắc phục các nguyên nhân chủ yếu trên.

Năm 2015, nợ công khoảng 60-65% GDP

Mục tiêu của 2012 là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đảm bảo phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Về các chỉ tiêu chủ yếu, Thủ tướng chỉ rõ: Phấn đấu kiềm chế lạm phát dưới 10% vào 2012, đến 2015 xuống còn 5-7%, và mức tăng GDP là 6-6,5%. Đến năm 2015, nợ công khoảng 60-65% GDP (nợ công cuối năm nay ước khoảng 54,6% GDP).

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2012 bằng khoảng 33,5-34% GDP.

Bên cạnh các chỉ tiêu về xã hội, môi trường như ĐH Đảng XI đã đề ra, Chính phủ đề nghị bổ sung một số chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng trong kế hoạch 5 năm: năng suất lao động xã hội, tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP, tỷ lệ lao động qua đào tạo; tỷ lệ đổi mới công nghệ và nhân tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng.

Sắp xếp lại DNNN thua lỗ

Chính phủ cũng xác định ưu tiên nguồn lực thực hiện ba đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

”Đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa cơ bản và lâu dài, cần được tiến hành đồng bộ gắn với các đột phá chiến lược theo một chương trình tổng thể”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói trước QH. 

Chính phủ sẽ hoàn thiện cơ chế huy động các nguồn lực để thực hiện các đột phá theo một lộ trình hợp lý. Ưu tiên cho các lĩnh vực, dự án có tác động lan tỏa cao, tạo tiền đề tái cơ cấu nền kinh tế.

Phải đổi mới tư duy về đầu tư, từng bước điều chỉnh cơ cấu đầu tư công theo hướng giảm dần tỷ trọng và nâng cao hiệu quả; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải và tăng cường huy động các nguồn vốn khác cho phát triển.

Các dự án, công trình khởi công mới phải được kiểm soát chặt chẽ, xác định rõ nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả và đủ thủ tục đầu tư.

Đối với các dự án đang được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ nhưng không có nguồn để bố trí tiếp thì chuyển sang các hình thức đầu tư khác hoặc phải tạm đình chỉ.

Với DNNN, đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước. Phải rà soát đánh giá toàn diện hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chỉ tập trung vào những ngành nghề kinh doanh chính; kiên quyết thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần chi phối và thoái vốn đã đầu tư vào các hoạt động ngoài ngành kinh doanh chính.

Có phương án sắp xếp, kiện toàn các doanh nghiệp thua lỗ. Đổi mới mô hình tổ chức và quản trị tại các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn; đồng thời, hoàn thiện các quy định về quyền đại diện chủ sở hữu và người quản lý trong doanh nghiệp có vốn nhà nước, về cơ chế quản lý tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, cơ chế giám sát, kiểm tra và chế tài xử lý.

Thực hiện công khai kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Đồng thời, có cơ chế, chính sách để thúc đẩy tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp dân doanh.

Kiểm soát chặt nợ xấu

Tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính, tín dụng theo hướng tăng hợp lý về quy mô, giảm nhanh số lượng các ngân hàng và tổ chức tín dụng yếu kém; nâng cao chất lượng tín dụng và phát triển các dịch vụ ngân hàng.

Có cơ chế chính sách để những ngân hàng có điều kiện phát triển, mở rộng phạm vi hoạt động, đủ sức cạnh tranh trong nước và quốc tế. Kiểm soát chặt chẽ nợ xấu, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống ngân hàng thương mại. Kiên quyết khắc phục tình trạng đô la hóa; thiết lập trật tự kỷ cương trong việc sử dụng ngoại tệ; nâng giá trị đồng Việt Nam.

Quản lý có hiệu quả thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, thị trường vàng và thị trường ngoại hối. Từng bước giảm tỷ lệ cung cấp vốn cho đầu tư phát triển từ hệ thống ngân hàng thương mại, tăng tỷ trọng huy động vốn từ thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp. 

Coi trọng phản biện xã hội

Thủ tướng cũng chỉ rõ Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nhất là thị trường tài chính, tiền tệ và thị trường bất động sản. Sửa đổi Luật Đất đai, bảo đảm quyền của Nhà nước trong việc thu hồi đất cho mục đích phát triển, xử lý hài hòa lợi ích của người giao đất và người nhận đất để đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Coi trọng phản biện xã hội, tăng cường tham vấn nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia khi xây dựng thể chế, đề cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước.

Phân tích đánh giá về chỉ số cạnh tranh quốc gia và chỉ số tự do kinh tế, tập trung khắc phục các khâu yếu, phấn đấu nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của nước ta.

Tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức vận hành của bộ máy Nhà nước. Hoàn thiện quy chế quản lý cán bộ, công chức, quy định rõ chức danh, tiêu chuẩn của từng vị trí, xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ và quyền lợi. Đổi mới chế độ tiền lương và chính sách động viên, khuyến khích cán bộ, công chức.


Phương Loan - Ảnh: Lâm Hiển