(VEF.VN) – Quy định về sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng dự kiến sẽ ban hành và có hiệu lực ngay trong năm 2013. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã công bố điều này tại họp báo Hội nghị quốc tế Ổn định tài chính khu vực Đông Á diễn ra sáng 20/11, tại Hà Nội. 

Kiểm soát sở hữu chéo trong NH

Ông Đặng Thanh Bình, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, các lỗ hổng trong sở hữu chéo ngân hàng là xuất phát từ các quy định trước đây.

“Trước, chúng ta không cấm một ngân hàng mua cổ phiếu ngân hàng khác, không cấm các cổ đông được sở hữu cổ phiếu nhiều ngân hàng khác nhau. Vì lẽ đó, trong quá trình phát triển, mới xuất hiện nhiều trường hợp mà trước đây ta chưa dự trù được như đã xảy ra thực tiến một số ngân hàng. Cổ đông của các ngân hàng đã có công ty con, các công ty này vay tiền của ngân hàng rồi đầu tư vào các ngân hàng khác dẫn tới chuỗi sở hữu lằng nhằng. Vì thế, đã không tạo ra sự lành mạnh, mịnh bạch trong hoạt động, tạo nguy cơ rủi ro cho chính các ngân hàng”, ông Bình đánh giá.

Để xử lý, ông Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang thanh tra, đánh giá thực trạng tài chính, cũng như cổ đông cổ phần của gần 30 ngân hàng. Trên cơ sở đó, Ngân hàng sẽ ban hành các quy định mới xử lý các bất cập hiện nay và dự kiến ban bành, có hiệu lực ngay trong năm 2013. 


Trả lời thông tin về vụ việc của ông Nguyễn Đức Kiên và ngân hàng ACB, ông Bình khẳng định: “Vấn đề ông Kiên không liên quan trực tiếp ACB mà là câu chuyện sở hữu chéo, nhóm và lợi ích cục bộ. Hiện, chúng tôi đang triển khai thanh tra đánh giá tình hình cổ động cỏ phần cổ đông của ACB, tài chính ACB, sẽ làm rõ nội dung liên quan công ty có liên quan cổ đông lớn của ACB. Trên cơ sở thanh tra, chúng tôi sẽ xử lý các vấn đề liên quan nếu có vi phạm”.

Thời gian kiểm soát đặc biệt CTCK 10 ngày

Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Việt Nam cho biết, hiện nay, Bộ Tài chính đang rà soát các chính sách thuế liên quan đến thị trường chứng khoán.

Ông Bằng còn tiết lộ: “Ủy ban đã rà soát toàn bộ phí lưu ký và phí giao dịch.Nhìn tổng thể thì cao nhưng khi tách phí ra theo nghiệp vụ thì không cao lắm. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, Ủy ban đã thống nhất sẽ giảm 20% mức phí lưu ký hiện nay. Dự kiến, việc sửa đổi này sẽ đưa vào Thông tư về phí ban hành trong đầu năm 2013”.

Cũng với quan điểm hỗ trợ tối đa trong tái cấu trúc công ty chứng khoán, ông Bằng cho hay, thời hạn kiểm soát đặc biệt các công ty chứng khoán có tỷ lệ an toàn vốn thấp sẽ có thể rút ngắn hơn nữa. Hiện nay, thời hạn này là 6 tháng, theo Thông tư sửa đổi thì sắp tới rút xuống 4 tháng. Nhưng tới đây, chúng tôi dự kiến sẽ có thể rút xuống 1 tháng hoặc thậm chí 10 ngày. Khi giám sát đặc biệt là công ty ngừng hoạt động, để tập trung xử lý vấn đề như nợ, chuyển đổi khách hàng…

Dù tiếp tục thắt chặt việc kiểm soát các công ty chứng khoán nhưng sẽ đảm bảo có lộ trình, tránh gây sốc.

Theo ông, thời gian qua, tái cấu trúc các công ty chứng khoán gặp rất nhiều khó khăn mà đầu tiên là ở vấn đề phải do DN tự thực hiện, Nhà nước lại không hỗ trợ trong khi, không có tổ chức nào khác đứng ra giúp xử lý nợ đọng. Chưa kể, còn có vướng mắc pháp lý.

Đơn cử như khi rà soát, chỉ tiêu an toàn tài chính mà các công ty chứng khoán báo cáo lên lại không đúng, không đầy đủ. Ủy ban chứng khoán đã phải yêu cầu phải có kiểm toán trong 6 tháng để từ đó phân loại, có thái độ ứng xử.

“Nhưng khi đi vào kiểm toán, chúng tôi vẫn thấy có vấn đề, nảy sinh tình trạng phân loại, đánh giá an toàn tài chính chưa thống nhất. Có “anh” có vấn đề tài chính nhưng báo cáo kiểm toán lại nêu chưa đến mức đưa vào diện kiểm soát. Vì vậy, chúng tôi phải thiết lập hội đồng để thẩm định lại. Hiện, hội đồng đã “bóc” một số công ty để sàng lọc lại, đưa vào danh sách kiểm soát”, ông Bằng cho biết.

Hiện, đã có 3 công ty được đưa vào kiểm soát, còn 7 công ty và một số công ty đang làm việc. 

Hội nghị Ổn định tài chính khu vực Đông Á với chủ đề “Khuôn khổ ổn định và giám sát tài chính trong môi trường nhiều biến động” sẽ được tổ chức trong 2 ngày từ 27-28/11/2012 tại Hà Nội. Đây là hội nghị quốc tế đầu tiên về lĩnh vực này được tổ chức tại Việt Nam theo sáng kiến của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Các vấn đề quan trọng sẽ được các quan chức ngành tài chính quốc tế cùng thảo luận như rủi ro trong sở hữu chéo, hoạt động ngân hàng ngầm. Dự kiến, hội nghị sẽ có 3 phiên thảo luận theo các chủ đề như “tăng cường chính sách cẩn trọng và nâng cao chuẩn mực an toàn tài chính, tăng cường nền tảng tài chính, hướng tới mục tiêu ổn định hệ thống và ổn định tài chính Đông Á, tập trung đánh giá triển vọng khu vực Đông Á sau khủng hoảng.

Phạm Huyền