Nhận “quả ngọt” nhờ chuyển đổi số

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023 ngày 28/12, ngành ngân hàng được đánh giá cao về việc đi đầu trong chuyển đổi số. Ngân hàng Nhà nước xếp vị trí thứ nhất về chỉ số xếp hạng an toàn thông tin mạng, thứ hai về chỉ số thể chế số và xếp thứ tư về chỉ số hoạt động chuyển đổi số. 

Nhiều con số trong báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy hoạt động chuyển đổi số của ngành ngân hàng tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022. Đến nay, hầu hết các tổ chức tín dụng đã, đang hoặc dự tính xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100%; nhiều ngân hàng ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức tối ưu, chỉ từ 30 - 40%. 

Những đánh giá trên là kết quả của việc liên tục ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng nhiều năm qua, với vai trò không thể thiếu của những ngân hàng dẫn đầu trong chuyển đổi số. Quan sát cho thấy, những ngân hàng ghi nhận tỷ lệ giao dịch trên kênh số đạt trên 90% hiện nay đều là những đơn vị tiên phong và “mạnh tay” khi đầu tư công nghệ mới nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng.  

Sự năng động trong chuyển đổi số đã góp phần tạo nên bức tranh tăng trưởng đầy ấn tượng của ngành ngân hàng trong năm 2022. Trong 11 tháng đầu năm, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt ghi nhận tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị. Trong đó, giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 116,1% và 92,3%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 182,5% và 210,6%.

Các chuyên gia nhận định, đà tăng trưởng này sẽ còn tiếp tục mạnh mẽ trong những năm tới, bởi các nhà băng vẫn không ngừng đầu tư công nghệ mới, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Học máy (ML), Dữ liệu lớn (Big Data)... để phục vụ khách hàng tốt hơn. 

Ngân hàng số - ‘trụ cột’ để ngân hàng chuyển đổi số thành công

Tại VIB, trong 9 tháng đầu năm 2022, ngân hàng này ghi nhận tỷ lệ giao dịch qua kênh số đã đạt tới 93%, lượng giao dịch ngân hàng số tăng hơn 100% so với năm 2021. 

Chiến lược chuyển đổi số và tập trung bán lẻ đã được VIB xác định từ cách đây nhiều năm. Trong đó, chuyến lược chuyển đổi số gồm 3 trụ cột chính gồm: ngân hàng số, số hóa và dữ liệu. 

Ngân hàng số MyVIB 2.0 với những tính năng vượt trội đã trải qua nhiều lần nâng cấp với những công nghệ tiên phong trên thị trường Việt Nam. Gần đây, MyVIB 2.0 tiếp tục gây chú ý với những công nghệ mới như: AI Voice Banking và trải nghiệm thực tế tăng cường (AR). Trước đó, VIB cũng đã nằm trong nhóm dẫn đầu khi triển khai các công nghệ như: định danh khách hàng điện tử (eKYC), e-Signature trong quy trình phê duyệt và phát hành thẻ tín dụng, hạ tầng điện toán đám mây (cloud)…

Về số hóa, VIB đã tiến hành tự động hóa quy trình kinh doanh, vận hành nhiều năm nay, giúp gia tăng trải nghiệm cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ, sản phẩm không chỉ trên kênh số mà còn kênh truyền thống. Điều này cũng giúp ngân hàng tối ưu được chi phí hoạt động. Trong 9 tháng đầu năm 2022, hệ số chi phí/doanh thu (CIR) đã được cải thiện, giảm xuống còn 34,6%.  

VIB cũng xác định dữ liệu sẽ tạo nên sức mạnh mới trong “cuộc đua” ngân hàng số. Với việc khai thác dữ liệu bằng: Big Data Analytic, Machine Learning... ngân hàng sẽ hiểu rõ hơn về khách hàng, từ đó cung cấp dịch vụ phù hợp và hiệu quả cho từng người dùng.  

Doãn Phong