Những hình ảnh ám ảnh

Sáng 23/5, cộng đồng người yêu chạy bộ thế giới không khỏi bàng hoàng trước thông tin 21 VĐV thiệt mạng khi tham gia giải chạy siêu địa hình 100km tại Cam Túc (Trung Quốc).

Đây là năm thứ 4 giải đấu được tổ chức, và không ai có thể ngờ giải chạy này là lần tham dự cuối của hơn 20 VĐV, trong đó có cả những nhà vô địch, “Vua leo núi” như Liang Jing – người chiến thắng 3 năm liên tiếp giải đấu này.

Các nhà chức trách đưa ra nguyên nhân cái chết của các nạn nhân là do nhiệt độ giảm đột ngột, điều kiện thời tiết xấu kèm mưa đá, gió lớn khiến nhiều VĐV bị mất liên lạc, mắc kẹt trên núi quá lâu.

{keywords}
Các VĐV chống chọi lại cái rét 0 độ C trong nhiều giờ

Điều đáng nói trước cuộc thi diễn ra sáng 22/5, không có dự báo thời tiết xấu trong ngày đua. VĐV tham dự cuộc thi đa phần mặc quần áo ngắn, rất ít người mặc quần áo chạy mùa đông.

Các VĐV sau khi được giải cứu, đều khẳng định thời tiết cực đoan chính là nguyên nhân số 1 dẫn đến thảm kịch. Một VĐV kể lại: “Khi cuộc đua đang diễn ra, đã xảy ra mưa đá, gió mạnh và đặc biệt là nền nhiệt độ giảm mạnh, xuống tới 0 độ C. Hầu hết các VĐV đều không chuẩn bị áo ấm để giữ nhiệt cơ thể. Một số người đã chết vì lạnh”.

Thực tế, những hình ảnh mà chính các VĐV và đội cứu hộ ghi được, đã lột tả hết thảm kịch đáng quên tại Cam Túc. Những nhóm VĐV phải quây lại với nhau, dùng bất cứ thứ gì để tránh mưa, chống lại cái lạnh.

{keywords}
“Vua leo núi” Liang Jing thiệt mạng trong thảm kịch 

“Tôi không còn cảm nhận được các ngón tay của mình vì quá lạnh, lưỡi tôi cũng cứng đơ. Tôi quyết định bỏ cuộc và quay lại khi mới leo được nửa đường và tôi gặp một cabin gỗ của đội cứu hộ”, một VĐV kể lại.

Một nguyên nhân nữa khiến giải chạy siêu địa hình 100km tại Cam Túc trở thành thảm kịch tồi tệ nhất lịch sử, được báo chí Trung Quốc chỉ ra là sự vào cuộc chậm trễ của lực lượng cứu hộ.

Chủ tịch thành phố Bạch Ngân, ông Zhang Xuchen, cho biết chính quyền cử hơn 1.200 nhân viên cứu hộ đi tìm kiếm. Tuy nhiên, công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn vì thời tiết khắc nghiệt gây sạt lở đất.

{keywords}
 
{keywords}
Công tác cứu hộ chậm trễ và gặp nhiều khó khăn vì thời tiết xấu

Bên cạnh đó, sau khi thảm kịch xảy ra, dư luận Trung Quốc đặt ra câu hỏi rằng tại sao thời tiết cực đoan khắc nghiệt như vậy lại không được dự báo trước. Tuy nhiên, Zhang Mingying, một chuyên gia thời tiết từ Cục Khí tượng Bắc Kinh, chỉ ra rằng gần như không thể dự báo một cách hoàn hảo tình huống bất thường như vậy.

Tại cuộc họp báo hôm 23/5, quan chức Bạch Ngân cúi đầu xin lỗi, nói rằng họ rất đau buồn trước cái chết thương tâm của những người tham dự và họ thực sự đáng trách.

Từ thảm kịch giải chạy Trung Quốc nghĩ về Việt Nam

Là một trong những người có thâm niên chạy và tham dự rất nhiều giải chạy địa hình khắc nghiệt của Việt Nam, anh Bình Minh (CLB 93-96 Hanoi Runner) chia sẻ nỗi đau với gia đình các nạn nhân ở giải chạy Trung Quốc.

Theo anh Bình Minh, dù có là VĐV có nhiều kinh nghiệm, thì việc vượt qua thử thách thời tiết xấu không phải dễ dàng: “Đó là thời tiết bất thường. Mưa đá và nhiệt độ giảm sốc như thế không đoán trước được.

{keywords}
Một VĐV xấu số trong cuộc đua thảm kịch

Giải đấu có cự ly dài, không có nhà dân dọc đường, đòi hỏi VĐV chuyên nghiệp phải tự xoay sở. Ở giải chạy Trung Quốc có 21 VĐV thiết mạng, nhiệt độ lạnh đột ngột đúng đoạn đường hiểm trở nên VĐV không thể chạy được. Nếu chạy để toát mồ hôi được thì thân nhiệt nóng lên, giúp chống chọi được với thời tiết”.

Có một sự thật là thời tiết chính là “đối thủ” mà các VĐV muốn chinh phục, bên cạnh sự khắc nghiệt của địa hình, ở các giải Ultra trail. Tuy nhiên, khi thời tiết vượt qua sự kiểm soát và khả năng chống chịu của con người, sự cố không mong muốn hoàn toàn có thể xảy ra.

Ở Việt Nam, giải chạy siêu địa hình Dalat Ultra Trail 2020 tại Đà Lạt (Lâm Đồng) hồi tháng 6 năm ngoái phải dừng lại đột ngột khi một nam VĐV gặp nạn trên đường đua 70km. Cơn mưa to bất ngờ hôm đó khiến nước lũ đầu nguồn đổ về và nam VĐV này đã bị nước cuốn trôi khi đang vượt suối.

{keywords}
Một VĐV bị lũ cuốn trôi khi tham dự giải Dalat Ultra Trail 2020

Điều kiện thời tiết cực đoan là điều không ai dự đoán được và cái chết của nam VĐV tại cuộc đua ở Đà Lạt là điều rất đáng tiếc, nhưng không phải vì thế mà cộng đồng chạy từ bỏ niềm đam mê của mình.

Tuy nhiên, ngoài kỹ năng vượt khó, kỹ năng sinh tồn trong những điều kiện tốt nhất, thì vấn đề về an ninh, an toàn, công tác cứu hộ, y tế… cũng phải được đặt lên hàng đầu ở các giải chạy tại Việt Nam.

Với các VĐV, việc lựa chọn những giải đấu phù hợp, những chặng đua đúng sức mình, là rất quan trọng, bởi không phải ai cũng có thể vượt qua được giới hạn bản thân trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt như giải Trung Quốc.

Thanh Vũ, một trong những VĐV Việt Nam đã từng tham dự nhiều cuộc thi khắc nghiệt nhất trên thế giới như chạy qua 4 sa mạc, hay những cuộc đua đường dài siêu marathon, chia sẻ: “Đó là một lời nhắc nhở cho tất cả chúng ta rằng cuộc sống thật quý giá và mong manh. Đôi khi không có quyết định tốt hay xấu, chỉ là bạn có thực hiện nó hay không”.

{keywords}
An toàn là yếu tố hàng đầu ở các giải chạy siêu địa hình

Anh Nguyễn Đạt, một chân chạy có tiếng trong làng chạy trail Việt Nam, chia sẻ: “Mỗi giải chạy đều có đặc trưng riêng. Khi tổ chức thì ai cũng muốn làm tốt nhất có thể, còn VĐV được quyền lựa chọn tham dự. Những điều không may là điều không ai lường trước được”.

Phong trào chạy ở Việt Nam đang phát triển rất mạnh, và việc hàng chục giải đấu lớn được tổ chức mỗi năm luôn nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng người chạy. Tuy nhiên, không phải giải đấu nào các VĐV cũng hài lòng, thậm chí còn bức xúc vì sự thiếu chuyên nghiệp.

Thảm kịch ở giải chạy Trung Quốc là điều không ai mong muốn vì yếu tố khách quan thời tiết. Tuy nhiên, khi ban tổ chức các giải chạy và bản thân các VĐV nếu có sự chuẩn bị kỹ về mọi mặt, sẽ giảm được rất nhiều nguy cơ xảy ra sự cố, đặc biệt là những tai nạn chết người.

Song Ngư