Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong 6 tháng đầu năm, Bộ đã chủ động, kịp thời tham mưu cho Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai công tác PBGDPL trên toàn quốc, trong đó chú trọng triển khai các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Kỳ họp thứ 7…

Bộ đã kịp thời tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện PBGDPL tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2024-2030”; tích cực phối hợp, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, buổi làm việc với các bộ, ngành, địa phương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL trên toàn quốc... 

phap luạt.jpeg
Tuyên truyền giúp bà con dân tộc thiểu số nâng cao hiểu biết về luật

Các tổ chức pháp chế bộ, ngành và tư pháp địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả các đề án, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành về PBGDPL, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác PBGDPL trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, bộ, ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới hình thức PBGDPL, trong đó chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL bằng nhiều hình thức phong phú, góp phần đưa pháp luật đến với người dân, doanh nghiệp một cách nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm chi phí và có sức lan tỏa rộng rãi, điển hình như: 

Thành lập các fanpage, zalo để cung cấp thông tin pháp luật ; tích cực thực hiện PBGDPL thông qua các cổng/trang thông tin điện tử PBGDPL ... 

Việc đăng tải các văn bản pháp luật, nhất là những văn bản pháp luật mới ban hành, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật lên cổng/trang thông tin điện tử của bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương ngày càng được chú trọng. 

Một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu xây dựng và đưa vào thử nghiệm sử dụng ứng dụng trí tuệ AI để PBGDPL . 

Trong 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 305.128 cuộc tuyên truyền pháp luật cho hơn 24 triệu lượt người; tổ chức 4.154 cuộc thi cho khoảng 4 triệu lượt người dự thi; phát hơn 22 triệu tài liệu tuyên truyền, PBGDPL. 

Qua tổng hợp báo cáo của địa phương về đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023, đến nay có 10.177/10.578 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt 96.1%).

Công tác hòa giải góp phần quan trọng trong ổn định an ninh chính trị

Vẫn theo báo cáo, công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục được Bộ Tư pháp, các địa phương chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả; thực hiện nghiêm Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nổi bật, như: Tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030”.

Tổng kết, đánh giá 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở; chú trọng công tác chỉ đạo, hướng dẫn địa phương thực hiện tốt công tác củng cố, kiện toàn mạng lưới tổ hòa giải ở cơ sở và đội ngũ hòa giải viên; Tăng cường kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở; đẩy mạnh việc tổ chức hội nghị, hội thảo tập huấn cho đội ngũ tập huấn viên các cấp chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tập huấn cho hòa giải viên ở cơ sở.

Trong 6 tháng đầu năm, cả nước tiếp nhận hơn 46.627 vụ việc hòa giải, tổng số vụ việc được hòa giải 45.112 vụ việc, số vụ việc hòa giải thành 37.628 vụ việc, đạt tỉ lệ 83,4%, qua đó góp phần quan trọng trong ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. 

Một số địa phương có tỷ lệ hoà giải thành rất cao (An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Khánh Hòa, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long đạt trên 90%) và nhiều địa phương có cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế tại địa bàn.