Hội thảo "Dịch vụ hoàn tất đơn hàng" nhằm kết nối các doanh nghiệp chuyển phát với doanh nghiệp thương mại điện tử vừa được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức chiều 24/10/2016, tại Hà Nội.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM dẫn số liệu khảo sát của Bộ Công Thương cho biết cả nước đã có khoảng 50 triệu người dùng Internet, trong đó khoảng ¾ đã từng mua sắm trực tuyến. Đây là tiềm năng lớn cho sự phát triển của TMĐT Việt Nam.

Thế nhưng TMĐT nước ta hiện nay đang gặp khó khăn rất lớn trong việc chăm sóc khách hàng. Nhiều khi khách hàng trả lại hàng vì sản phẩm được giao quá chậm, khi họ không còn nhu cầu sử dụng nữa.

thương mại điện tử

"Dịch vụ chuyển phát chưa theo kịp xu hướng TMĐT. Tỷ lệ rất cao người tiêu dùng không hài lòng với chất lượng dịch vụ chuyển phát", ông Nguyễn Thanh Hưng nhận định.

Đồng quan điểm, bà Lương Tú Anh, Giám đốc Mắt Bão Hà Nội, cung cấp số liệu cụ thể hơn: Có tới 24,9% khách hàng phàn nàn về dịch vụ giao hàng của các đơn vị cung cấp dịch vụ TMĐT.

Ông Hán Văn Lợi, Giám đốc Boxme cũng cho biết: Ở Thái Lan, 99% đơn hàng của công ty chuyển phát Kerry Express được phát thành công với thời gian cam kết là người mua hàng có thể nhận hàng ngay ngày hôm sau. Trong khi đó ở Việt Nam, trung bình các đơn hàng chuyển phát chỉ đến tay người nhận sau 5 – 7 ngày, thậm chí 10 – 15 ngày. Hiện chỉ có ít doanh nghiệp TMĐT sử dụng hệ thống quản lý hàng trong kho một cách chuyên nghiệp, còn nhiều doanh nghiệp có tình trạng hàng mất cũng không biết. Đặc biệt, 48% khách hàng mua sắm trực tuyến từ chối mua hàng của doanh nghiệp đã từng giao hàng chậm cho mình.

Thực tế hiện nay, khi triển khai khâu giao hàng, các doanh nghiệp TMĐT thường sử dụng các phương thức như: dùng nhân sự nội tại; thuê ngoài nhân sự giao hàng.

"Doanh nghiệp TMĐT nên thuê ngoài nhân sự giao hàng của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nhân sự thuê ngoài chuyên nghiệp để cắt giảm chi phí đầu tư cho việc tuyển dụng, đào tạo, giảm rủi ro trong quá trình giao – nhận hàng, tùy biến tăng – giảm nhân sự một cách linh động theo thời vụ... Các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam hàng năm vẫn có kế hoạch sử dụng nguồn lực thuê ngoài như vậy. Không phải tự nhiên doanh nghiệp FDI sử dụng thuê ngoài nhân sự từ hàng chục năm nay", bà Lương Tú Anh chia sẻ.

thương mại điện tử

Nhìn ở góc độ bao quát hơn, ông Nguyễn Thanh Hưng khuyến nghị: "Doanh nghiệp TMĐT hãy cố gắng làm tốt nhất phần việc của mình, từ việc lên ý tưởng kinh doanh, triển khai ứng dụng công nghệ cho đến khi mơi được khách hàng click vào giỏ hàng (giao kết hợp đồng trực tuyến). Sau đó, hãy cố gắng thuê ngoài càng nhiều càng tốt các dịch vụ như nhận hàng, lưu kho, đóng gói, chuyển hàng và các dịch vụ liên quan khác... Tuy nhiên, nếu thuê ngoài hết các dịch vụ thì cũng sẽ thất bại. Doanh nghiệp TMĐT cần phải đủ thông minh để quyết định thuê cái gì, thuê ai, thời điểm nào cho hiệu quả nhất".

"Hiện có một số doanh nghiệp chuyển phát truyền thống đang đầu tư chuyển hướng sang làm dịch vụ hoàn tất đơn hàng, bao gồm tất cả các khâu nhận hàng, lưu kho, đóng gói, chuyển hàng... Dù có nhiều lợi ích nhưng khi thuê ngoài dịch vụ hoàn tất đơn hàng, doanh nghiệp TMĐT cũng cần lường trước một số rủi ro như tranh chấp khi hàng bị hư hỏng, thiếu hụt, hàng giả... để có cách thức ứng xử phù hợp", Chủ tịch VECOM khuyến nghị thêm.