Đại hội đại biểu Đảng bộ Văn phòng Chính phủ lần thứ 26 chiều 26/8 công bố kết quả bầu cử Ban Chấp hành Đảng bộ Văn phòng Chính phủ nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 27 nhân sự. Trong đó, 25 người được Đại hội bầu trực tiếp, 2 nhân sự còn lại sẽ kiện toàn sau Đại hội.
BCH Đảng bộ Văn phòng Chính phủ nhiệm kỳ 2020-2025. |
Đảm bảo theo cơ cấu, có tính kế thừa
Phát biểu bế mạc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Đại hội đã thảo luận và thông qua các văn kiện của Ban Chấp hành Đảng bộ Văn phòng Chính phủ nhiệm kỳ 2015-2020 trình Đại hội.
Đại hội cũng thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và dự thảo văn kiện của Đảng bộ Khối Các cơ quan Trung ương, Nghị quyết và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đại hội.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, 25 nhân sự được Đại hội đã bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 đảm bảo theo cơ cấu, có tính kế thừa, có cán bộ nữ, cán bộ trẻ.
Đại hội cũng đã bầu 5 đại biểu chính thức và 1 đại biểu dự khuyết là những cán bộ đại diện cho trên 1.100 đảng viên của Đảng bộ Văn phòng Chính phủ dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối Các cơ quan Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo Bộ trưởng có được những thành tích tốt đẹp trong nhiệm kỳ vừa qua là nhờ có sự quan tâm, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương, đặc biệt là sự nỗ lực, phấn đấu đóng góp bằng trí tuệ và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong Văn phòng Chính phủ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. |
Thành công của Đại hội là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để tiếp tục phát huy truyền thống, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chung sức, đồng lòng tiếp tục xây dựng Đảng bộ Văn phòng Chính phủ “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới và phát triển”.
Bộ trưởng đề nghị mỗi đảng viên cần ra sức phấn đấu, nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phải luôn nâng cao trình độ lý luận, bám sát yêu cầu thực tiễn, xây dựng phong cách làm việc nói đi đôi với làm, làm việc có trách nhiệm, hiệu quả.
Ông cũng lưu ý, đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở các đơn vị, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, gương mẫu, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy truyền thống quyết tâm xây dựng Đảng bộ Văn phòng Chính phủ trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Phải tuyển chọn được những cán bộ có đạo đức, năng lực
Chỉ đạo Đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình lưu ý, với tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Văn phòng Chính phủ cần tập trung tham mưu, đôn đốc triển khai hiệu quả các giải pháp đã đề ra nhằm thực hiện thành công “mục tiêu kép”.
Trong công tác tham mưu, Văn phòng Chính phủ cần nắm chắc tình hình, dự báo chính xác, tham mưu đồng bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội. "Phải tuyển chọn được những cán bộ có đạo đức, năng lực, trình độ; phải mạnh dạn đề xuất những cái mới, phản biện một cách tích cực với tinh thần xây dựng và với mục tiêu lợi ích của quốc gia, của nhân dân là trên hết", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. |
Phó Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý văn bản trên môi trường mạng, đẩy mạnh thực hiện hành chính điện tử; vận hành hiệu quả các nền tảng đã có và tiếp tục phát triển để thực sự là hình mẫu về thực hiện Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số.
Tiếp tục làm tốt công tác hậu cần, kỹ thuật, bảo đảm an toàn tuyệt đối, phục vụ hiệu quả, chu đáo các hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng. Xây dựng Đảng bộ Văn phòng Chính phủ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng...
“Để làm được những việc nêu trên, không có cách nào khác là cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu, tự mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải có tâm, có tầm, đoàn kết một lòng, có bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm cao, trung thực, tận tụy", Phó Thủ tướng lưu ý.
Thu Hằng
Nguyên Bộ trưởng gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp để được 'trả lại tên cho em'
Nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung kể lại những lần tiếp xúc, gặp gỡ nhiều lãnh đạo, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp để được "trả lại tên cho em", lập lại Bộ Nội vụ.