Tiểu ban Điều trị cho biết, đến chiều 31/5, cả nước đã ghi nhận 7.236 ca mắc Covid-19, trong đó đã chữa khỏi 2.950 bệnh nhân. Hiện vẫn còn 4.235 bệnh nhân đang điều trị tại 92 cơ sở y tế trên cả nước, trong đó Bắc Giang đang có đến hơn 2.200 bệnh nhân.

Tại các cơ sở điều trị, nhiều nhất là Bệnh viện Dã chiến số 2 Bắc Giang đặt tại nhà thi đấu của tỉnh đang điều trị hơn 600 bệnh nhân, kế đó là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương với 359 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân đang điều trị, có 126 bệnh nhân tiên lượng nặng; 104 ca đang phải thở oxy; 23 ca thở máy không xâm nhập; 28 ca nguy kịch, trong đó có có 23 ca đang thở máy xâm nhập (19 ca tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), 5 đang phải can thiệp ECMO (4 ca ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, 1 ca ở TP. HCM).

Ca mới nhất phải can thiệp ECMO là bệnh nhân 6043, nam, 80 tuổi, quê ở Bắc Ninh. Cụ ông có tiền sử tăng huyết áp, suy thận độ 2, được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, sau đó chuyển tuyến lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

{keywords}

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cấp cứu, giành giật sự sống cho bệnh nhân giữa đêm. Ảnh: Thanh Đặng

Sau 3 ngày nhập viện, đến ngày 29/5, bệnh nhân tiến triển nặng lên, phải thở máy không xâm nhập.

20h cùng ngày, bệnh nhân tiếp tục trở nặng rất nhanh, nguy kịch. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân suy hô hấp, viêm phổi do SARS-CoV-2, chỉ định thở máy, điều trị tích cực.

Đêm 29/5, bệnh nhân phải can thiệp đặt ECMO (trao đổi tuần hoàn ngoài cơ thể). Đến hôm nay, bệnh nhân vẫn thở ECMO kết hợp thở máy qua nội khí quản, duy trì an thần, giãn cơ.

Ngoài ra tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng đang có 3 bệnh nhân khác phải can thiệp ECMO, trong đó có nam thanh niên 37 tuổi khỏe mạnh từ Bắc Ninh chuyển lên (bệnh nhân 3207), bệnh nhân nhiều bệnh nền ở Thái Bình, 54 tuổi (bệnh nhân 3019) và bệnh nhân 3354, nam, 76 tuổi quê ở Lạng Sơn.

Ca ECMO còn lại là bệnh nhân 2983, nữ, 65 tuổi, địa chỉ tại An Phú, An Giang. Đây là ca bệnh nhập cảnh, từ nước ngoài về qua cửa khẩu Long Bình, được cách ly tại An Giang từ ngày 3/5. Cùng ngày, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính, được chuyển đến Trung tâm y tế huyện An Phú điều trị. Ngày 13/5, bệnh nhân chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM. Hiện phổi bệnh nhân này đang đông đặc 90%.

Theo đánh giá, biến chủng Ấn Độ đang chiếm ưu thế trong đợt dịch lần 4 tại Việt Nam làm tình trạng bệnh nặng thêm, gây khó khăn cho điều trị. Rất nhiều bệnh nhân trẻ diễn biến nhanh, trong đó có trường hợp nữ công nhân 38 tuổi ở Bắc Giang tử vong.

Do đó, chiến lược điều trị trong giai đoạn hiện nay tập trung vào khoảng 20% bệnh nhân có thể diễn biến nặng. Trong số này, 10% có thể diễn biến từ biểu hiện ho, sốt, khó thở sang cấp cứu; 5% diễn biến chuyển thành nặng và 5% thành rất nặng.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 phải theo dõi sát diễn biến bệnh nhân, nhiều ca bệnh có nồng độ oxy trong máu ở mức 99% nhưng khó thở đã tăng thêm 22 lần thì phải đặc biệt lưu ý. Các tỉnh chưa có dịch cũng phải nâng cao hơn nữa năng lực điều trị hồi sức tích cực, chủ động các tình huống xấu.

Thúy Hạnh

Biến chủng mới khiến ca Covid-19 diễn biến nhanh, khó khăn điều trị

Biến chủng mới khiến ca Covid-19 diễn biến nhanh, khó khăn điều trị

Các bệnh nhân nhiễm biến chủng Ấn Độ diễn biến nhanh hơn thường lệ, ngay các trường hợp trẻ khoẻ, không triệu chứng cũng cần theo dõi sát.