Nhờ sự phát triển của thương mại điện tử cũng như mô hình bán hàng online trên các trang mạng xã hội mà dịch vụ giao hàng cũng đắt khách không kém. Nắm bắt nhu cầu đó, nhiều ứng dụng giao hàng đã nhanh chóng ra đời, phục vụ cho việc mua sắm online.
Tuy nhiên, đi đôi với tiện lợi thì cũng ẩn nấp không ít những chiêu lừa đảo tinh vi. Đó là tình trạng giả dạng thành các shipper để lừa tiền ship hàng từ vài chục nghìn cho tới hàng triệu đồng. Và người ta thường dùng cụm từ “ship lụi” để ám chỉ những đối tượng này.
Dưới đây là một số thủ đoạn lừa đảo quen thuộc nhưng vẫn có không ít người mất tiền oan.
Giả danh shipper của các đơn vị vận chuyển
Thời gian vừa qua, nhiều chị em mua hàng online đã dính "bẫy" của các shipper. Theo đó, lợi dụng lỗ hổng từ các ứng dụng đặt hàng, một số shipper đã hack được thông tin đặt hàng của người mua để trục lợi.
Chị Nguyễn Mai Anh (trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) mới đây vừa bị lừa số tiền 3,2 triệu đồng bởi một “shipper lụi” giả làm nhân viên của đơn vị vận chuyển Giao hàng nhanh.
Cụ thể, hôm 19/4, chị Mai Anh đặt một món hàng trên ứng dụng shopee. 2 hôm sau đó, có người gọi điện giới thiệu là nhân viên chuyển phát Giao hàng nhanh hẹn giao món hàng mà chị đặt trên shopee. Chị Mai Anh không mảy may nghi ngờ mà thanh toán luôn số tiền 3,2 triệu đồng. Nhưng khi mở gói hàng, chị mới tá hỏa vì bên trong là 2 đôi giày cũ nát thay vì 2 đôi giày Adidas mà chị muốn đặt.
Vội vàng liên hệ với chủ shop chị đặt hàng trên shopee thì được biết đơn hàng 2 đôi giày của chị đã được giao cho đơn vị vận chuyển nhưng đơn vị vận chuyển chưa giao cho shipper. Lúc đó, chị mới tá hỏa phát hiện mình vừa bị lừa mất 3,2 triệu đồng.
“Tôi không biết do đâu mà tên shipper lừa đảo này tường tận được món hàng mà tôi đặt trên shopee. Rất có thể thông tin đơn hàng của tôi đã bị lộ”, chị Mai Anh chia sẻ.
Thông báo tặng quà tri ân để thanh toán phí ship cao
Một chiêu lừa khác nở rộ trong thời gian gần đây lại liên quan đến ứng dụng giao hàng. Đánh cắp được thông tin khách hàng của shop, “cựu shipper” của các ứng dụng giao hàng đã nghĩ ra chiêu thông báo rằng khách hàng đã nhận được quà tri ân từ chủ shop. Điều đáng nói là các shipper giả danh này đọc vanh vách giá trị đơn hàng mà khách đã đặt trước đó khiến nhiều người dễ tin tưởng mà mắc bẫy.
Chị Hoa đã tả lại trường hợp của mình lên Facebook để cảnh báo các chị em hay mua hàng online
Hôm 16/4, chị Hoàng Hoa (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) mới đây đã bị lừa hơn 100 nghìn đồng bởi “ship lụi”. Chị nhận được cuộc gọi của shipper thông báo mình nhận được quà tặng tri ân từ shop X. là một lọ nước hoa Chanel trị giá 1 triệu đồng. Khi xuống nhận “quà tặng”, chị Hoa đã phải thanh toán hơn 100 nghìn đồng mà theo shipper đó là phí ship và cước thông quan đồ. Nhưng khi mở ra, thứ chị nhận được là 1 chai nước hoa rẻ tiền không có thương hiệu.
Các chủ shop cũng méo mặt vì “ship lụi”
Tai nạn này cũng xuất phát từ việc thông tin đơn hàng bị rò rỉ qua ứng dụng giao hàng. Thông thường, các shipper sẽ phải ứng cho chủ shop một số tiền theo giá trị đơn hàng để nhận hàng, sau đó nhận lại số tiền đó từ khách. Tuy nhiên, có không ít trường hợp chủ shop mất hàng vì giao nhầm đồ cho shipper giả danh.
Trường hợp chị Nga Nguyễn, một chủ shop bán quần áo tại Cầu Giấy vừa bị shipper lừa đảo cuỗm mất món hàng hơn 3 triệu đồng khi chị đặt giao hàng qua một ứng dụng đặt hàng. Do không kiểm tra kỹ thông tin của shipper, chị Nga Nguyễn đã vô tư giao món hàng không cần “ship cod” (ship cod là hình thức giao hàng trước, sau đó mới trả tiền) cho một đối tượng không phải là shipper đã nhận đơn trên ứng dụng.
Khi gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng của ứng dụng này để làm rõ vấn đề, chị nhận được câu trả lời rằng: Vì khi chị lên đơn, tất cả các shipper xung quanh địa điểm nhận hàng đều nhận được thông tin của chị, từ đó có shipper có ý đồ xấu sẽ không nhận đơn hàng nhưng họ sẽ nhanh chân đến trước và báo là shipper của đơn hàng đó. Trường hợp này bên ứng dụng đặt hàng không thể quản lý được và bắt buộc các chủ shop phải kiểm tra trước thông tin shipper của đơn hàng đó, bao gồm cả số điện thoại, hình ảnh và biển số xe để có trùng khớp với thông tin trên ứng dụng hay không.
Dính bẫy vì bảo mật thông tin cá nhân lỏng lẻo
Cũng phải nói thêm rằng, nhiều người khá chủ quan trong việc bảo mật thông tin cá nhân. Hành động để loại số điện thoại, địa chỉ cá nhân công khai trên các trang mạng xã hội sẽ dễ dàng bị kẻ gian lợi dụng để ship hàng lừa đảo. Hoặc thói quen vứt bao bì gói hàng có đầy đủ tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại bên ngoài cũng tạo điều kiện cho kẻ gian biết được sở thích mua sắm của người mua rồi từ đó lên kế hoạch giăng bẫy.
Chị Hồng gặp phải trường hợp trớ trêu khi không đặt hàng nhưng vẫn có shipper gọi đến giao hàng
Chị Thanh Hồng - chủ một shop quần áo ở Thường Tín, Hà Nội - từng bị kẻ gian lấy được thông tin số điện thoại và địa chỉ cửa hàng trên trang cá nhân. Sau đó, lợi dụng chị không có mặt ở shop mà chỉ có nhân viên, shipper đã liên hệ với nhân viên để giao một món hàng mà chị Hồng không hề đặt. Nhân viên của chị cũng sơ suất không kiểm tra lại từ chị Hồng và chủ động thanh toán tiền cho món hàng “từ trên trời rơi xuống”. Có thể thấy, có những kẻ lừa đảo thực sự tinh vi khi biết được thói quen, lịch sinh hoạt của nạn nhân.
Về phía người bán hàng, cũng có nhiều trường hợp sơ suất đăng thông báo shipper lại công khai luôn thông tin đầy đủ của khách hàng bao gồm giá trị đơn hàng, địa chỉ giao hàng tạo điểu kiện cho các kẻ gian lợi dụng để lừa đảo. Mánh khóe sẽ là sau khi đồng ý nhận đơn ship, kẻ gian lai chủ động báo hủy ship vì có việc đột xuất. Trong khi chủ cửa hàng chuyển đơn hàng cho shipper khác thì cũng là lúc shipper “lụi” này nhanh chân tìm đến địa chỉ trên để giao món hàng vô giá trị nhưng lại nhận được số tiền không hề nhỏ.
Những lưu ý để tránh tình trạng bị lừa đảo bởi “shipper lụi” Với người mua: - Không công khai thông tin cá nhân trên mạng xã hội. - Khi có người giao hàng, cần kiểm tra kỹ thông tin người gửi hoặc kiểm tra gói hàng bên trong (nếu được) - Nếu nhận được thông báo tặng quà tri ân thì cần kiểm tra lại từ phía cửa hàng để xác nhận thông tin. Với người bán: - Hạn chế đăng thông tin tìm shipper trên các hội nhóm, thay vào đó nên tìm cho mình một ship “ruột” cho cửa hàng. Hoặc đặt giao hàng qua các ứng dụng uy tín. - Nếu phải nhờ đến các hội nhóm trên mạng xã hội thì chủ shop cần lưu lai thông tin của shipper như số điện thoại, chứng minh thư, biển số xe. - Khi giao hàng cho shipper cần xác nhận thông tin của shipper có trùng khớp với thông tin trên ứng dụng hay không. |
Theo Chuyên trang Thời đại plus/ Gia đình & Xã hội