“Bạn đi đâu mà quần áo nhếch nhác vậy?” – “Tôi mới lén mẹ đi chơi điện tử, thế là về bị một trận tơi bời”.
Trong cuộc sống, hẳn chúng ta đã không còn xa lạ gì với từ “tơi bời”, một từ dùng để chỉ trạng thái thê thảm, rệu rã. Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do GS Hoàng Phê chủ biên định nghĩa: “Tơi bời (tính từ): Tả tơi không còn ra hình thù gì nữa, do bị tàn phá mạnh mẽ và dồn dập. Khu vườn tơi bời sau cơn bão. Đánh cho tơi bời. Lòng đau đớn tơi bời (nghĩa bóng)”.
Tuy phổ biến là thế nhưng ít ai biết được rằng, từ “tơi bời” trước đây còn có những nét nghĩa khác vô cùng thú vị.
Nét nghĩa thứ nhất của “tơi bời” xuất hiện trong Từ điển từ cổ của PGS Vương Lộc. Tư liệu này giải thích “tơi bời” là “rối rít, vội vã”. Nghĩa này đã được đề cập đến trong nhiều tác phẩm văn học trung đại, đặc biệt là các tác phẩm truyện thơ, điển hình có thể kể tới:
- Thay quần đổi áo tơi bời (Tức “thay quần áo vội vã”, Truyện Nhị Độ Mai, câu 1443)
- Quan quân sắm sửa tơi bời (Tức “quan quân chuẩn bị một cách rối rít, vội vàng”, Truyện Nhị Độ Mai, câu 2537)
- Tơi bời tưới lửa, tìm người lao xao (Tức “vội vàng tưới lửa, hối hả tìm người”, Truyện Kiều, câu 1656).
Bên cạnh đó, Từ điển từ cổ của học giả Vương Lộc còn nêu ra một nét nghĩa thứ hai của “tơi bời” là “lung tung, mất trật tự”. Nét nghĩa này đã xuất hiện trong nhiều trường hợp, chẳng hạn nó đã từng có mặt tại cụm từ “chạy tơi bời”, được ghi nhận trong Từ điển Việt Pháp của nhà nghiên cứu J. F. M. Génibrel (Nhà xuất bản Sài Gòn năm 1988). Cụm từ này được Nhà nghiên cứu J. F. M. Génibrel giảng là “chạy lung tung, không có trật tự”.
Ngoài hai nghĩa trên, “tơi bời” còn có một nghĩa thứ ba được ghi nhận trong Việt Nam Tự điển của học giả Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ. Tư liệu này đã giảng như sau: “Tơi bời: Tưng bừng, rộn rã lên, ai cũng nghe cũng thấy: Đánh chửi tơi bời. Cá lội tơi bời. Chợt nghe chín khúc tơi bời (HT), Một đoàn ngục tốt tơi bời (Nhị Độ Mai)”.
Như thế rõ ràng bên cạnh nghĩa hiện hành là “tơi tả, xác xơ, bị tàn phá nặng nề”, “tơi bời” xưa kia còn có những nét nghĩa vô cùng thú vị.
Các nghĩa trên tuy ba mà một, vì “rối rít, vội vã” thì dễ dẫn đến “lung tung, mất trật tự” và trở nên “tưng bừng, ai cũng thấy”.
Còn nghĩa “tả tơi, không còn manh giáp” như hiện nay hẳn được dựa trên nét nghĩa “rối rít, mất trật tự” mà thành.
Trọng Nghĩa - Tiếng Việt giàu đẹp (Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả).
Để trao đổi, chia sẻ những trải nghiệm, góc nhìn, câu chuyện... về lĩnh vực giáo dục, vui lòng gửi email về địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Những bài viết phù hợp sẽ được biên tập và đăng tải. Xin chân thành cảm ơn.
'Tiếng Việt giàu đẹp' của chàng kỹ sư IT hút hồn cộng đồng mạng
Một 9X "lọ mọ" với từ ngữ Tiếng Việt từ những năm học lớp 11, để sau gần 10 năm đã phát triển thành một dự án bảo tồn và phát huy tiếng mẹ đẻ của dân tộc.