Một chiến dịch ở Bắc Kỳ là cuốn sách đầu tiên trong Tủ sách Đông Dương của Đông A ra mắt bạn đọc. Cuốn sách do dịch giả Đinh Khắc Phách dịch. Với cuốn sách này, Đông A phát hành 4 phiên bản khác nhau, phục vụ nhu cầu đa dạng của độc giả:

{keywords}
Một chiến dịch ở Bắc Kỳ là cuốn sách đầu tiên trong Tủ sách Đông Dương của Đông A ra mắt bạn đọc.

Ấn bản phổ thông - có bìa áo in bằng công nghệ metalize, ruột in bằng mực vi sinh trên giấy GV76-BB định lượng 100 gsm (vốn dùng trong các phiên bản sách đặc biệt giới hạn 100 bản trước đó của Đông A).

Ấn bản cao cấp - có bìa cứng, bìa áo ôm in bằng công nghệ metalize, khổ lớn 18,5 x 26,5 cm, dày 592 trang, ruột in 2 màu (xanh, đen), bằng mực vi sinh. 

Ấn bản S500 - (chỉ in 511 bản) có bìa da Microfiber, trong đó bao gồm 11 bản đặt riêng cho dự án hợp tác Pháp - Việt giữa École Normale Supérieure và ĐH Sư phạm Hà Nội. Ấn bản được in 2 màu (xanh, đen) bằng công nghệ mực vi sinh, mạ cạnh sách bằng nhũ vàng, đóng dấu đỏ của Đông A dành cho người sưu tầm và chơi sách.

Ấn bản đặc biệt S100 là phiên bản chưa từng có được Đông A thực hiện gồm 105 bản bìa da bò nhập khẩu từ Italy với kỹ thuật khâu ruột sách và làm bìa cứng thủ công theo lối cổ điển châu Âu Passé-carton. 

Một chiến dịch ở Bắc kỳ của Omega+ do Thanh Thư dịch, khổ 16 x 24 cm, có bìa cứng, áo ôm, NXB Đà Nẵng xuất bản. Đây là ấn bản kỷ niệm 50 năm thành lập Cộng đồng Pháp ngữ (1970 - 2020) và đánh dấu cột mốc một năm ra đời Tủ sách Pháp ngữ - Góc nhìn Sử Việt của Omega+.

Còn Nhã Nam thông báo sắp sửa ra mắt cuốn sách cùng tên này.

{keywords}
Một chiến dịch ở Bắc kỳ của Omega+ do Thanh Thư dịch.

Một chiến dịch ở Bắc kỳ là một tác phẩm lớn, có giá trị sử liệu về con người, xã hội và phong tục Bắc kỳ, và cả Trung kỳ; một trong những công trình quan trọng nhất về văn hóa - lịch sử, về cách vận hành xã hội Việt Nam nói chung vào một thời đoạn qua những ghi chép lý thú và hàng trăm minh họa độc đáo của tác giả Charles-Édouard Hocquard, thầy thuốc quân y kiêm nghệ sĩ nhiếp ảnh người Pháp.

Những năm cuối thế kỷ XIX, một chiến dịch diễn ra từ tháng 6/1883 đến tháng 4/1886 do Pháp tổ chức, nhằm chống lại các đội quân của người Việt, quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc và đội quân Quảng Tây và Vân Nam của nhà Thanh, với mục tiêu chiếm đóng Bắc Kỳ và giữ vững sự bảo hộ của Pháp tại đó.

Với những diễn biến phức tạp của chiến dịch xảy ra vào tháng 8/1884 do bùng phát Chiến tranh Pháp - Thanh và vào tháng 7 năm 1885 do phong trào Cần Vương tại An Nam, chiến dịch cần đến sự tham gia của rất nhiều quân Pháp, dưới cái tên Quân đoàn viễn chinh Bắc Kỳ và sự hỗ trợ từ Đội tàu chiến Bắc Kỳ. Chiến dịch chính thức kết thúc vào tháng 4/1886, khi lực lượng viễn chinh giảm số lượng quân đội chiếm đóng, nhưng tình hình Bắc Kỳ vẫn không ổn định cho đến tận năm 1896.

{keywords}
Lính tập Bắc Kỳ và Nam Kỳ.

Hành trình của vị bác sĩ quân y Hocquard (từ 11/1/1884 - ngày ông rời cảng Toulon, cho đến ngày 19/4/1886 - ngày trở về Pháp) diễn ra đúng vào thời điểm này. Tổng cộng, ông ở Việt Nam khoảng 26 tháng (giữa tháng 2/1884 đến giữa tháng 4/1886). Trong thời gian này ông vừa tham gia chiến dịch, vừa chụp lại những hình ảnh ông bắt gặp trên cuộc hành trình, để viết nên “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ”.

Ký sự hành trình Une campagne au Tonkin (Một chiến dịch ở Bắc kỳ) xuất hiện lần đầu bằng tiếng Pháp, trên tạp chí Le Tour du Monde (Vòng quanh thế giới) với nhan đề “Trente Mois au Tonkin” (Ba mươi tháng ở Bắc kỳ), được chia làm năm phần đăng từ năm 1889 đến năm 1891. Năm 1892, tác giả sửa nhan đề thành Une campagne au Tonkin (Một chiến dịch ở Bắc kỳ) để nhà xuất bản Hachette (Paris) in toàn bộ tác phẩm và 229 tranh khắc, bản đồ tuyệt đẹp về Việt Nam.

{keywords}
Phố Cờ Đen - Phố Mã Mây ngày nay.

Hocquard là một bác sĩ quân y, nhà nhiếp ảnh, đam mê viết lách và là người thích phiêu lưu. Ông tham gia chiến dịch quân sự một cách tự nguyện nhưng không trực tiếp tham chiến, chính vì vậy mà ông chỉ điểm sơ qua các chiến dịch quân sự chứ không đi sâu vào nó. Hành trình của Hocquard qua 8 tỉnh thành từ Bắc đến Trung kỳ; từ vùng châu thổ đến các bản làng miền núi, thị trấn đồng bằng; từ các con lộ đến đường mòn, các lối dọc ven sông; từ đồi trọc đến những cánh đồng lúa bát ngát. Qua những cuộc hành trình quân sự, ông tường thuật lại những điều mắt thấy tai nghe một cách chân thực và lôi cuốn nhất có thể về quang cảnh, con người, cảnh sinh hoạt của người dân trong vai trò người quan sát, người kể chuyện và nhà phân tích.

Con người và nhiếp ảnh chiếm vị trí trung tâm của tác phẩm và kết cấu của nó, chính vì vậy mà trong 225 ảnh trên toàn cuốn sách thì có hơn 40% số lượng ảnh chụp người: những nhạc công, cô bán hàng chợ, người bán thịt rong, thợ khảm, thợ cạo, thợ cày, cô bán than, ông lão mù, phu phen, người nông dân xay lúa, thợ gốm, thợ rèn, tổng đốc, sứ thần, đốc học, trưởng làng, sĩ quan Pháp, tù nhân, thổ phỉ, lính khố đỏ... Bên cạnh những bức tranh và mô tả về đời sống lao động, chân dung cá nhân... Hocquard cũng dành một phần không nhỏ cho các nghi thức tôn giáo và tập tục (đám ma, thờ cúng tổ tiên...), giải trí (trò chơi, âm nhạc...). 

Cùng thời gian đó, một công chức Pháp là Camille Paris phụ trách việc xây dựng đường điện báo nối Nam kỳ và Bắc kỳ công tác tại Huế, những quan sát và ghi chép của ông được xuất bản tại nhà xuất bản Ernest Leroux (Paris, 1889) với nhan đề Voyage d’exploration de Huê en Cochinchine, par la route mandarine (Chuyến thám hiểm từ Huế đến Nam kỳ bằng đường cái quan), bao gồm 12 ảnh khắc và 6 tấm bản đồ về Việt Nam, thuật lại những điều trải nghiệm từ phía nam thành Huế đến Bình Thuận.

{keywords}
Hồ Hoàn Kiếm thế kỷ 19.

Nếu đặt hai tác phẩm của Camille Paris và Hocquard cạnh nhau, chúng ta có một bộ sách giá trị mô tả sống động Việt Nam qua các tỉnh thành từ Bắc vào Nam: Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Ninh Bình, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Phan Rang và Bình Thuận.

Mỗi người mỗi phương pháp, mỗi điểm nhìn, nhưng qua các tác phẩm của họ độc giả ngày nay có cơ hội tiếp cận nhiều thông tin quan trọng về đời sống thường nhật của người dân Bắc kỳ nói riêng và Việt Nam nói chung hồi cuối thế kỷ XIX.

Tình Lê

Nhà báo Trần Mai Hạnh: Sức hút lớn nhất của 'Biên bản chiến tranh' là sự thật

Nhà báo Trần Mai Hạnh: Sức hút lớn nhất của 'Biên bản chiến tranh' là sự thật

Với tư cách là người viết, nhà báo Trần Mai Hạnh cho rằng, sức hút lớn nhất của Biên bản chiến tranh 1-2-3-4-75 là sự thật.