Giống như các loại nông sản khác, mã số vùng trồng dừa là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng.
Mã số vùng trồng hiện nay còn được coi là tấm vé thông hành cho dừa nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung xuất khẩu sang các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bởi, nhiều thị trường áp dụng những quy định nghiêm ngặt về vùng sản xuất nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đảm bảo quá trình lưu thông trên thị trường phải đúng nguồn gốc tại vùng sản xuất.
Đây là điều kiện cần thiết và bắt buộc đối với xuất khẩu dừa sang các thị trường khó tính như Trung Quốc, Mỹ, Úc, Canada…
Bên cạnh đó, mã số vùng trồng còn giúp doanh nghiệp kiểm soát tốt vùng nguyên liệu thông qua mã số và nhật ký canh tác điện tử của người nông dân. Thông qua mã số vùng trồng đã cáo, các cơ quan chức năng ngành nông nghiệp có thể đưa ra những khuyến cáo về sản xuất, dự báo sản lượng và thị trường tiêu thụ dừa, từ đó người nông đưa ra quyết định sản xuất phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NN-PTNT) cho biết, dừa là 1 trong 6 cây công nghiệp chủ lực theo Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 (gồm cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, dừa).
Hiện nay, dừa Việt Nam trở thành mặt hàng xuất khẩu với giá trị cao. Các sản phẩm chế biến từ dừa đang có tiềm năng lớn để gia tăng giá trị của cây dừa, tăng thu nhập cho người dân.
Theo thống kê, 30% diện tích dừa đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 30% được cấp mã số vùng trồng. Nhờ đó, góp phần đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu dừa đạt 900 triệu USD năm 2024 - kỷ lục lịch sử.
Đáng chú ý, trong 8 tháng năm nay, xuất khẩu dừa của Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến 1.156% và giá trị tăng 933,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi, với nghị định thư xuất khẩu chính ngạch dừa sang Trung Quốc được ký kết vừa qua, ngành nông nghiệp dự kiến thu về 250 triệu USD từ thị trường này trong năm 2024, chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành dừa Việt Nam.
Theo bà Thủy, mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu diện tích dừa trên toàn quốc đạt trên 200.000ha. Các vùng trồng dừa trọng điểm là ĐBSCL (175.000ha) và Duyên hải Nam Trung bộ.
Tại các thủ phủ dừa của Việt Nam như Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long… đang đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng dừa để mở rộng thị trường và tăng giá trị xuất khẩu dừa.
Ông Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre thông tin, tỉnh được mệnh danh “thủ phủ dừa” của cả nước với diện tích trồng trên 80.000ha, chiếm 88% diện tích dừa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và gần 42% diện tích dừa cả nước.
Cây dừa được xác định là cây trồng chủ lực và nguồn thu nhập của hơn 200.000 hộ dân khu vực nông thôn của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 133 vùng trồng dừa được cấp 133 mã số với diện tích hơn 8.300ha; có 14 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Mỗi năm, xuất khẩu dừa mang về cho tỉnh Bến Tre hơn 350 triệu USD.
Để trồng dừa hữu cơ và quản lý hiệu quả việc cấp mã số vùng trồng, theo ông Đức, Bến Tre đã quyết liệt đưa việc phát triển dừa vào các Nghị quyết của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, lấy việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất làm nền tảng để phát triển cây dừa.
Ngoài ra, tỉnh Bến Tre còn tăng cường tập huấn nâng cao năng lực về quy định cũng như các giải pháp kỹ thuật liên quan để bảo đảm thực hiện đúng các quy định của nước nhập khẩu cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn khi đăng ký xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.
Triển khai hướng dẫn các vùng trồng, cơ sở đóng gói cập nhật đầy đủ thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng phần mềm "Nhật ký đồng ruộng", phần mềm "Quản lý cơ sở đóng gói" để cập nhật đầy đủ các thông tin theo yêu cầu của nước nhập khẩu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre.
Hà Giang