Rút vì nhu cầu thực tế
Theo phản ánh của người lao động, họ bí bách quá mới rút BHXH một lần để trang trải nhu cầu thực tế. Trong đó, nhiều người cho biết, dịch bệnh kéo dài thời gian qua cũng khiến họ thiếu trước, hụt sau nên xem việc rút BHXH một lần như là cứu cánh cho hoàn cảnh hiện tại.
Có mặt tại BHXH TP Thủ Đức chiều 14/4, ghi nhận tại đây có hàng chục người đang ngồi chờ gọi theo thứ tự để vào làm thủ tục rút BHXH.
Gặp anh Huỳnh Tấn Sang (quê Tiền Giang) đang ngồi chờ đến lượt, anh cho biết, từ quê lên làm công nhân cho Công ty Phong Phú tại Thủ Đức (quận 9 cũ) đã được hơn hai năm. Nhưng vừa qua do không phù hợp công việc, anh đã xin nghỉ nên mất thu nhập.
“Để trang trải cuộc sống hiện tại trong thời gian chờ xin việc khác, tôi phải rút BHXH để lo cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Khó mà tính toán được thời gian tới, cứ rút tiền rồi khi xin được công việc mới có thể đóng lại BHXH. Giờ mà không rút thì không có tiền chi tiêu”, anh Sang chia sẻ.
Cạnh bên là chị Tuyết Nhung (nhà ở TP Thủ Đức) cũng đang chờ tới lượt gọi rút BHXH một lần. Chị cho biết, đã làm việc cho một công ty Du lịch tư nhân hơn 9 năm. Nay xin nghỉ để ra làm ăn riêng, rất cần vốn đầu tư. Do đó, việc rút tiền BHXH một lần để có vốn ban đầu cho tương lai công việc sắp tới.
“Thực tế mình cũng chưa muốn rút, nhưng giờ quy định mới phải đóng đủ 20 năm và khi hết tuổi lao động mới được hưởng thì quá dài. Nay rút để tạo vốn làm ăn cũng coi như là đảm bảo “lương hưu” cho sau này”, theo chị Nhung.
Hầu hết những người đang làm thủ tục rút BHXH một lần tại đây đều có chung mục đích là trang trải cuộc sống hiện tại của mình. Nhiều người cho biết, qua đại dịch vừa rồi thì tiền chi tiêu quá khó khăn khi phải nghỉ thời gian dài.
Không chỉ tại Thủ Đức, hầu hết các cơ quan BHXH trên địa bàn TP.HCM thời gian qua đều đón nhận một lượng người lao động khá đông đến rút BHXH một lần. Hầu hết trong đó đều đến từ các công ty tư nhân trong và ngoài nước, đông nhất là các quận, huyện vùng ven, nơi có nhiều khu chế xuất-công nghiệp.
Theo một nghiên cứu của ILO Việt Nam (Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam), xu hướng rút BHXH một lần rất khác nhau giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân.
Đa số các trường hợp BHXH một lần sau một năm không tham gia BHXH là ở khu vực tư nhân. Ở khu vực Nhà nước, số trường hợp rút BHXH một lần không phổ biến, có thể do tính chất công việc ổn định. Rút BHXH một lần sau 1 năm không tham gia chiếm đến 92,9% tổng số các trường hợp rút BHXH ở khu vực tư nhân, con số này ở khu vực Nhà nước chỉ có 33,2%.
Ngược lại số người rút BHXH một lần vì lý do lương hưu đã đạt tối đa ở khu vực Nhà nước chiếm đến 45% tổng số các trường hợp, con số này ở khu vực tư nhân lại khiêm tốn ở mức 2,8%.
Số liệu cũng cho thấy, hầu hết các trường hợp hưởng BHXH một lần là người lao động trẻ, đa phần là phụ nữ. Hầu hết các trường hợp yêu cầu hưởng BHXH một lần là người lao động trong khoảng 20-39 tuổi.
“Dường như người lao động càng nhiều tuổi hơn thì càng nhận thức rõ ràng hơn về sự cần thiết của dòng thu nhập ổn định trong giai đoạn tuổi già, do đó có ít trường hợp yêu cầu hưởng BHXH một lần hơn so với nhóm lao động trẻ”, theo ILO.
Xu hướng rút BHXH một lần ngày càng tăng
Dù BHXH TP.HCM nhiều lần lên tiếng cảnh báo bất lợi khi rút BHXH một lần, nhưng người lao động vẫn đổ xô đi rút.
Theo số liệu của BHXH TP.HCM, chỉ 3 tháng đầu năm 2022, toàn thành phố đã có khoảng 37.000 người làm thủ tục nhận BHXH một lần, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021. Tập trung đông ở các quận, huyện vùng ven có nhiều lao động ngoại tỉnh như TP Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, Quận 12...
Trao đổi với báo chí về xu hướng này, ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, thời điểm sau Tết, nhất là giai đoạn từ tháng 3 và tháng 4/2022, lượng người từ các tỉnh thành tới TP.HCM tìm việc làm rất lớn. Tuy nhiên, nhiều người không xin hoặc chưa xin được việc làm khiến đời sống của họ gặp rất nhiều khó khăn, đó cũng là lúc họ nghĩ đến việc rút sổ BHXH. Mặc dù BHXH tích cực tuyên truyền nhưng người dân vẫn đổ xô đi rút.
Ông Mến cũng cảnh báo, việc rút BHXH 1 lần không mang đến lợi ích, mà chỉ có thiệt cho người lao động. Vì theo ông, bình quân mỗi người một năm phải đóng tiền BHXH lên tới 2,64 tháng lương, nhưng khi rút tiền BHXH 1 lần chỉ được hưởng 1,5 tháng (trước 2014) và 2 tháng (sau 2014). Đây là con số chênh lệch khá lớn, thiệt thòi cho người lao động.
Việc rút tiền BHXH một lần cũng đồng nghĩa với việc người lao động tự đưa mình ra khỏi hệ thống an sinh xã hội. Sẽ không được hưởng chế độ hưu trí và đặc biệt không còn được hưởng chế độ BHYT lúc ốm đau bệnh tật. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống an sinh của chính bản thân người đó, đồng thời phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình, xã hội.
Hồ Văn