Năm 2024 là năm đầu tiên gia đình chị Trần Thị Thơm, ở thôn Lự, xã Yên Sơn, huyện Bảo Yên, thoát nghèo. Đây là một trong số các trường hợp thoát nghèo từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Có trợ lực của Nhà nước, gia đình chị Thơm đầu tư trồng sắn dưới tán rừng quế, kết hợp với chăn nuôi tổng hợp. Nguồn thu từ mô hình này khá, giúp anh chị tự xây dựng được căn nhà mới kiên cố, vững chãi. Ý chí của đôi vợ chồng trẻ "còn sức là còn phấn đấu" đã khiến chị cùng chồng bàn bạc viết đơn tự nguyện xin rút khỏi diện hộ nghèo.
Không chỉ chị Thơm, trong năm qua, xã Yên Sơn có tới 35 lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo, cận nghèo. Đặc biệt, nhiều hộ còn khó khăn nhưng vẫn quyết tâm tự mình vươn lên, nhường sự hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng cho những hộ khó khăn hơn.
Điều này là kết quả của quá trình dài kiên trì của cấp uỷ, chính quyền, mặt trận và nhiều tổ chức, đơn vị tại huyện Bảo Yên và xã Yên Sơn. Nhờ được tuyên truyền, giới thiệu những mô hình sinh kế phù hợp, được truyền cảm hứng vươn lên, người dân đã nhận thức rõ và không trông chờ, ỷ lại, phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Năm 2023, toàn huyện Bảo Yên giảm được 955 hộ nghèo (tương đương tỷ lệ giảm 4,51%), vượt kế hoạch giảm nghèo tỉnh giao. Tới cuối năm 2023, Bảo Yên chỉ còn 1.708 hộ, tỷ lệ 8,01%, số hộ cận nghèo 1.314 hộ, tỷ lệ 6,16%. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các xã đặc biệt khó khăn, số hộ nghèo, cận nghèo đã giảm nhanh. Toàn huyện không có trường hợp tái nghèo.
Năm 2024 Bảo Yên phấn đấu tỷ lệ giảm nghèo của huyện đạt khoảng 3%, nghĩa là kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo về mức 5,01%. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, nhờ tinh thần đồng lòng quyết tâm, huyện Bảo Yên có 376 hộ thoát nghèo, tương đương tỷ lệ giảm 1,76%, đạt gần 60% mục tiêu năm.
Để công tác giảm nghèo hiệu quả, huyện đã linh hoạt lồng ghép, huy động tối đa nguồn lực để đẩy nhanh và bền vững tiến trình giảm nghèo. 85 công trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội từ các chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện. Huyện cũng khuyến khích người dân khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ.
Nửa đầu năm, huyện mở 13 lớp dạy nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 280 học viên tham gia. Hàng trăm lao động nhờ đó có việc làm mới, tăng thu nhập ổn định. Đồng thời, huyện tư vấn, hỗ trợ xuất khẩu lao động cho 14 người; hỗ trợ 28 hộ dân tộc thiểu số làm nhà ở.
Cuối tháng 8, 20 hộ dân ở thôn 2 Nhai Tẻn và 2 Nhai Thổ, xã Kim Sơn (Bảo Yên) đã được nhận hỗ trợ 6.500 con gà giống và thức ăn, chế phẩm sinh học chăn nuôi. 10 hộ trong số này thuộc diện cận nghèo, hộ nghèo.
Giống gà được hỗ trợ đạt 21 ngày tuổi, khi bàn giao về cho các hộ nuôi dưỡng, chăm sóc, gà đã được tiêm phòng đủ các loại vắc xin theo quy định. Mỗi hộ được hỗ trợ từ 200 đến 400 con gà giống, 20 bao cám vi sinh.
Điều đặc biệt là sinh kế nuôi gà giống này không được "trao không" cho người dân nghèo. Để tăng trách nhiệm, ràng buộc, các hộ được nhận hỗ trợ có phần đối ứng chiếm 34% tổng kinh phí, ngoài nguồn hỗ trợ 66% của nhà nước. Tổng cộng, mô hình sinh kế này có tổng kinh phí hỗ trợ (bao gồm con giống, thức ăn chăn nuôi) gần 1 tỷ đồng.
Trước khi cấp gà, các hộ tham gia được tập huấn khoa học kỹ thuật, chăn nuôi gà an toàn sinh học. Khu vực chuồng nuôi và chăn thả tại các hộ chăn nuôi cũng được tiêu độc khử trùng.
Suốt quá trình chăn nuôi, cán bộ kỹ thuật của mô hình sẽ theo dõi định kỳ hàng tuần, hướng dẫn kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc gà theo từng giai đoạn, công tác phòng và điều trị một số bệnh thường gặp ở gà…
Mô hình nuôi gà ngoài việc giải quyết được việc làm tại chỗ, đa dạng hóa sinh kế còn nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo để từng bước giảm nghèo bền vững, hạn chế tình trạng tái nghèo.
Để công tác giảm nghèo đúng mục tiêu bền vững, đa chiều, Bảo Yên tập trung phát triển nông nghiệp với các cây chủ lực gồm: quế, chè và chuối, cơ bản đã mang lại đời sống tốt hơn cho người dân. Ngoài ra, Bảo Yên cũng phát triển một số cây ăn quả như bưởi, thanh long ruột đỏ, hồng không hạt, tổng diện tích vùng trồng lên tới 264,7ha. Huyện đồng thời đẩy mạnh các mô hình liên kết trong sản xuất tăng vụ để tăng giá trị thu nhập trên hecta canh tác.
Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, người dân cũng có cách nghĩ mới, làm mới, làm tăng giá trị sử dụng tài nguyên đất, nước, giúp người dân cải thiện đời sống, nhiều hộ thoát nghèo.