- Sau 5 năm được UNESCO ghi danh vào danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp”, ca trù ngày càng nhận được sự quan tâm và phát triển của cả cộng đồng.
Liên hoan Ca trù toàn quốc 2014 diễn ra tại Viện Âm nhạc Việt Nam từ ngày 26-29/8 như là một cuộc “tổng kiểm kê” di sản ca trù, để từ đó định ra những hướng đi nhằm đưa ca trù từ vị trí “cần được bảo vệ khẩn cấp” lên thành di sản “đại diện của nhân loại”.
Mỗi đơn vị tham gia liên hoan sẽ tự xây dựng chương trình nghệ thuật với thời
lượng tối đa là 30 phút. Ngoài những thể cách hát quen thuộc thường hát trong
câu lạc bộ, các tổ chức, cá nhân tham gia liên hoan còn phải biết đàn, hát, gõ
phách, cầm chầu 5 trong 15 thể cách Ca trù có tính kinh điển như: Hát Mở (hoặc
Hát Mở Cửa Đình), Thét Nhạc, Gửi Thư, Ngâm thơ cô đầu…
Theo nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, đạo diễn Liên hoan Ca trù toàn quốc 2014, liên
hoan lần này ngoài việc tạo điều kiện để các địa phương nắm giữ di sản, các
CLB, các tổ chức và cá nhân, nghệ nhân và những người hát ca trù trên khắp cả
nước có cơ hội gặp gỡ và đánh giá lại những gì mình có, Viện Âm nhạc cũng mong
muốn từng bước đưa ca trù trở lại đời sống cộng đồng.
Trước hết, là để những người nắm giữ di sản tìm hiểu sâu hơn và hướng tới phục
dựng đầy đủ ca trù trong không gian trình diễn của từng tiết mục. Và, điều đặc
biệt ở liên hoan lần này là hướng vào tái hiện không gian trình diễn ca trù chứ
không phải là tổ chức cho các nghệ nhân, ca nương biểu diễn thông thường. Làm
như vậy là cần thiết để ca trù phát triển trọn vẹn, trả về đúng không gian biểu
diễn của nó.
Điểm mới của liên hoan lần này sẽ tập trung nhiều tới lớp nghệ nhân kế cận cho
nên năm nay sẽ vắng bóng nghệ nhân lão thành, nhiều ca nương tuổi đời còn rất
trẻ.
Theo Thạc sĩ Phạm Minh Hương - Phó viện trưởng Viện Âm nhạc, giải thưởng năm nay
sẽ mở rộng, ngoài những giải dành cho tập thể, sẽ có giải dành cho cá nhân để
kích thích, động viên cho các nghệ nhân đóng góp nhiều hơn nữa cho Ca trù.
Ngày 1/10/2009, Ca trù chính thức được UNESCO tôn vinh là “di sản thế giới cần được bảo tồn khẩn cấp”. Thời điểm ấy, cả nước có 21 nghệ nhân ca trù, hầu hết ở độ tuổi ngoài 80 và chừng 22 câu lạc bộ (CLB) ca trù, hoạt động chủ yếu ở Hà Nội, Hải Dương, Hà Tĩnh, Thanh Hóa…
Sau khi được chứng thực bằng danh hiệu cao quý, hiệu ứng ca trù lan tỏa rộng hơn. Đã có khoảng 60 CLB ca trù ghi tên hoạt động với chừng 500 thành viên, một phần đang sung sức trong độ tuổi còn rất trẻ. |
T.Lê