Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 59.000 người tử vong do bệnh dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắc xin phòng dại.
Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm ghi nhận 75 trường hợp tử vong do bệnh dại. Cùng với đó, trung bình hằng năm có khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại với chi phí ước tính hơn 300 tỷ đồng/năm.
Thông tin được Sở Y tế Hà Nội đưa ra tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại 28/9.
Theo báo cáo của các cơ quan chuyên ngành thú y và y tế địa phương, từ đầu năm đến đầu tháng 9, cả nước ghi nhận 40 người tử vong do bệnh dại tại 16 tỉnh, thành phố. Số lượng tử vong này tăng 2 ca so với cùng kỳ năm 2021, trong đó nhiều nhất là các tỉnh Bến Tre (12 ca), Kiên Giang (5 ca) và Gia Lai (4 ca).
Hồi tháng 8, tỉnh Quảng Bình ghi nhận tới 4 ca tử vong vì bệnh dại, đáng nói, 3 người tử vong sau 2-3 tháng từ khi bị chó dại cắn và không tiêm vắc xin.
Đáng nói, gần đây, số người tử vong do bệnh dại có chiều hướng giảm ở các tỉnh nguy cơ cao, ngược lại có xu hướng gia tăng ở các tỉnh nguy cơ thấp và xuất hiện ở một số tỉnh mới.
Tại Hà Nội, ông Vũ Cao Cương - Phó Giám đốc Sở Y tế - cho hay hằng năm, thành phố vẫn ghi nhận những trường hợp tử vong đáng tiếc do bệnh dại. Các trường hợp tử vong đều do chủ quan không đi tiêm phòng vắc xin sau khi bị chó cắn.
Cụ thể, các năm 2017-2018, ngoài các trường hợp tử vong do bệnh dại trên người, thành phố còn ghi nhận các ổ dịch dại trên động vật tại các quận: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai. Năm 2020-2021 ghi nhận các trường hợp tử vong do bệnh dại tại 2 quận Cầu Giấy và Hoàng Mai. Năm 2022 đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh dại tại huyện Phú Xuyên vì chủ quan không đi tiêm phòng.
Chậm trễ tiêm phòng vắc xin dại - nguyên nhân chính khiến nhiều người tử vong
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính khiến số ca tử vong cao là do người dân chậm trễ tiêm phòng vắc xin dại.
Như trường hợp nữ bệnh nhân 35 tuổi ở xã Lâm Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) bị chó nhà cắn. Đáng nói sau khi cắn chủ, chó đã bị gia đình đập chết. Vết thương bệnh nhân ở gót chân trái nông, chảy lượng máu ít, gia đình chủ quan không xử trí vết thương, không tiêm vắc xin phòng bệnh dại. 3 tháng sau chị tử vong.
BS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Viện Pasteur TP HCM, cho biết virus dại ủ bệnh trên con vật (như chó, mèo, chuột…) từ 3 - 7 ngày. Thông thường trước khi lên cơn dại, con vật sống bình thường. Lúc này nó vẫn có khả năng truyền virus dại cho người. Vì thế, bác sĩ Tuấn khuyến cáo ngay khi bị súc vật cắn cần phải xử lý vết thương và đi tiêm phòng dại ngay, không phải con vật phát bệnh mới bị dại.
Bên cạnh suy nghĩ sai lầm bệnh dại chỉ lây truyền qua vết cắn có chảy máu của động vật, không ít người dân chậm trễ tiêm phòng vắc xin dại còn do tự ý điều trị bằng phương pháp "truyền miệng" như đắp thuốc nam, thuốc lá vào vết thương.
Ngoài ra, thực tế còn nhiều người có tâm lý e ngại tác dụng phụ của vắc xin phòng dại sẽ gây ảnh hưởng đến trí nhớ, thần kinh, sức khoẻ sinh sản…
Bác sĩ Tuấn khẳng định tất cả vắc xin dại hiện nay đều dùng công nghệ tế bào, an toàn cho người lớn, trẻ em và kể cả phụ nữ mang thai. Vì thế vắc xin này có thể chỉ định cho tất cả các đối tượng, người dân hoàn toàn yên tâm và không có gì phải lo lắng việc ảnh hưởng đến người được tiêm sau này.
Khi bị chó cắn cần rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Sau đó, vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn iod và đưa ngay bệnh nhi đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng vaccine và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.