Cứ tưởng mình đã hiểu rõ được quy luật của thị trường, nhiều nhà đầu tư bị phá sản vì tiền ảo liên tục giảm giá. Có thể nói những ai còn bám trụ đến giờ đều là những tay kỳ cựu trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, với tình hình tiền ảo lao dốc không phanh như hiện nay kể cả các chuyên gia cũng có thể bị phá sản buộc phải phá bỏ các nhà xưởng, bán các trâu cày trả nợ.
Không chỉ là tiền ảo, công nghệ này sẽ tạo ra 1.000 tỷ USD
Cứ điểm an toàn của dân đào tiền ảo bị phá vỡ
Vào tháng 12 năm ngoái, tiền ảo và đại diện chính là Bitcoin đang ở trên đỉnh bục vinh quang với giá trị lên tới gần 20 nghìn USD cho một đồng Bitcoin. Kéo theo đó, số lượng nhà đầu tư tham gia vào thị trường tăng kỷ lục. Nhưng rồi bong bóng tiền ảo đã xẹp xuống nhanh chóng như đúng cách mà nó được bơm lên.
Từ mốc đỉnh 20 nghìn USD đồng Bitcoin liên tục phá đáy xuống mức 10 nghìn, 8 nghìn, rồi 6 nghìn USD... và giờ chỉ còn 3.850 USD...
Những ai trót lỡ đầu tư vào một đồng tiền ảo khác là Ethereum còn chịu thua lỗ nặng hơn khi loại tiền này đã giảm giá hơn 10 lần trong năm vừa qua.
Giá đồng tiền Ethereum cắm đầu giảm hơn 10 lần. Ảnh: Coinmarket |
Ở giai đoạn giảm sốc đầu tiên, những người đầu tư nghiệp dư phần lớn đã chịu lỗ và rút khỏi thị trường. Có thể nói những ai còn bám trụ đến hiện tại đều là những tay kỳ cựu trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, với tình hình tiền ảo lao dốc không phanh như hiện nay kể cả các chuyên gia cũng có thể bị phá sản.
Anh Hải Cơ., một nhà đầu tư chia sẻ: "Mình biết đến tiền ảo khá sớm, từ những năm 2013-2014, lúc đó Bitcoin vẫn chưa được nhiều người biết đến, những người chơi chỉ tập trung hoạt động ở một số diễn đàn tin học với quy mô nhỏ. Ban đầu, mình chỉ đọc tin theo dõi chứ không xuống tiền đầu tư. Mãi đến đầu năm 2017, khi giá Bitcoin bắt đầu rục rịch tăng mạnh, mình dốc tiền tiết kiệm mua lấy 3 Bitcoin đầu tiên với giá 1.100 USD cho 1 đồng. Sau 3 tháng giữ Bitcoin, mình bán lại và thu lợi nhuận gấp đôi".
Hào hứng vì kiếm tiền dễ, anh này liên tục mua đi bán lại nhiều lần với lượng tiền đầu tư ngày càng lớn. Quan điểm là đầu tư an toàn nên hễ có lãi 30-40% là anh chốt lãi hoặc khi có biến động giảm giá là bán ra. Cách làm này tuy lãi không nhiều nhưng anh luôn cảm thấy yên tâm. Nhờ đó, anh đã kịp thoát ra sớm trong đợt giảm giá đầu tiên mà vẫn bảo toàn số tiền lãi 1,5 tỷ kiếm được trong năm 2017.
"Mình đứng ngoài thị trường theo dõi và quyết định đầu tư lần thứ hai khi Bitcoin ổn định ở mức 10 nghìn USD. Vì tự tin có kinh nghiệm và sẵn 1,5 tỷ tiền lãi từ trước nên lần này mình quyết định nắm giữ Bitcoin lâu dài chứ không mua đi bán lại liên tục nữa. Hễ cứ giảm giá là mình lại mua thêm để bình quân giá vốn. Lúc Bitcoin giảm còn 6 nghìn USD, đây là mức hỗ trợ rất an toàn mình đã cầm cố thêm tài sản để đầu tư. Thời gian qua, tiền ảo giảm giá mạnh. Số tiền lãi kiếm được đã bốc hơi hết mà còn âm thêm vài trăm triệu. Đợi đến cú Bull tiếp theo (phiên hồi phục tạm thời), mình sẽ bán hết để rút khỏi thị trường", anh cho hay.
Nhà máy đào tiền ảo Bcause, bang Virginia, Mỹ. Ảnh: Coincentral |
Giống như anh H, nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng khác cũng đã lâm vào cảnh đốt hết tiền lãi tích cóp được vì tự tin vào kinh nghiệm "bắt đáy" của bản thân. Khi giá Bitcoin giảm từ 10 nghìn xuống 8 nghìn, rồi 6 nghìn USD và chỉ chon 3.850 USD thì từng lớp nhà đầu tư đã ra phải ra đi.
Mức giá 6 nghìn USD/Bitcoin từng được giới đầu tư coi là ngưỡng hỗ trợ an toàn, bởi đây là chi phí tiền điện trung bình để tạo ra được 1 Bitcoin tại Mỹ và Trung quốc (nguồn bitnewstoday) - 2 quốc gia có những trang trại đào tiền ảo lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, mức ngưỡng an toàn này đã chính thức bị phá vỡ khi giá Bitcoin hạ xuống ở mức dưới nghìn USD.
Tháo máy đào thanh lý. Ảnh: Facebook |
Xẻ thịt trâu cày, kẻ khóc người cười
Việt Nam là một trong những quốc gia có giá tiền điện ở mức rẻ so với thế giới. Chi phí tiền điện để đào được 1 Bitcoin khi dùng máy tính chuyên dụng AntMiner S7 là khoảng 4.600 USD (nguồn bitnewstoday). Đây mới chỉ là chi phí tiền điện, còn rất nhiều các chi phí phụ khác như tiền mặt bằng, tiền hao phí máy móc, tiền thuê nhân công..v.v... Thực tế, khi giá Bitcoin còn ở mức trên 6 nghìn USD đã rất nhiều thợ đào tiền ảo đã phải bán máy gỡ vốn. Chỉ những người vốn dày mới duy trì tiếp tục đào để chờ cơ hội bán khi tăng giá.
Tuy nhiên, khi giá Bitcoin hạ xuống mức 3.850 USD như hiện nay thì còn không đủ bù tiền điện. Rất nhiều thợ đào đã ngậm ngùi nói lời chia tay, bán máy bằng mọi giá.
Một thợ cày tiền ảo ngậm ngùi bán "trâu". Ảnh: Facebook |
Dù vậy, cũng không ít người thấy vui mừng khi thị trường tiền ảo lao dốc.
Là một người kinh doanh cửa hàng game - Internet, anh N. ở Thủ đức cho biết từ khi tiền ảo tăng giá công việc làm ăn của anh cũng bị ảnh hưởng không ít. Trong năm 2017, các thợ cày tiền ảo đổ xô đi mua hết card đồ họa, một linh kiện quan trọng dành để lắp máy tính chơi game khiến mặt hàng này tăng giá chóng mặt và khan hiếm.
Còn bây giờ tình hình ngược lại, anh N. có thể thoải mái lựa chọn card đồ họa giá rẻ từ những chiếc máy đào tiền ảo bị thanh lý. Dù những linh kiện này có tuổi thọ thấp hơn bình thường nhưng với mức giá siêu rẻ bây giờ, đó vẫn là một món hời đối với các chủ tiệm game hoặc những người làm công việc đồ họa.
Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để một lớp nhà đầu tư mới tham gia lĩnh vực đào tiền ảo. Trên Facebook đã xuất hiện những tài khoản ép giá và thu mua không giới hạn lượng máy đào từ những thợ cày thanh lý.
Hoàng Hiệp
Lan tin ông chủ tiền ảo mất liên hệ, dân chơi lo sợ tiền 'tươi' thành tiền 'chết'
Tiếp theo tuyên bố phá sản và bỏ trốn của ông chủ Sky mining, các nhà đầu tư trên các diễn đàn tiền ảo mới đây lại rộ lên thông tin ông chủ Asama mining không liên lạc được, không trả tiền lãi cho nhà đầu tư.
Chi 10 tỷ mua ‘trâu cày’ tiền ảo, nhận được… sắt vụn
Chỉ đến khi ông chủ công ty tiền ảo Sky Mining lặn biệt tăm, nhà đầu tư tiền ảo mới vỡ lẽ mình đã bị lừa.
Công ty tiền ảo phá sản: Sếp biệt tăm, trả lại 'trâu cày' cho nhà đầu tư
Các nhà đầu tư bấn loạn vì có người đầu tư hàng tỉ, hàng chục tỉ đồng vào Sky Mining có nguy cơ mất trắng.