Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM (Sở GTVT TP HCM) đang hoàn thiện đề án Tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành – Suối Tiên (Metro số 1).

Dự án này được Trung tâm triển khai nghiên cứu tái cấu trúc mạng lưới các tuyến xe buýt dọc hành lang Xa lộ Hà Nội và đồng thời đề xuất phát triển thêm các tuyến xe buýt mới giúp hành khách dễ tiếp cận metro và giúp dự án khai thác hiệu quả.

Theo Trung tâm, qua nghiên cứu, rà soát thì có 48 tuyến xe buýt sẽ có chức năng gom khách, tăng cường khả năng tiếp cận, kết nối với tuyến Metro số 1. Trong đó, hệ thống xe buýt thành phố sẽ giữ nguyên hiện trạng 11 tuyến, điều chỉnh lộ trình 15 tuyến và mở mới 22 tuyến.

Bến xe buýt Sài Gòn, đường Hàm Nghi, quận 1 (TP.HCM)

Đối với đề xuất mở mới 22 tuyến có 3 tuyến liên tỉnh và 19 tuyến nội thành. Ba tuyến liên tỉnh có 2 tuyến kết nối tỉnh Bình Dương là tuyến 61-9 (Bến xe Củ Chi – Dĩ An – Bến xe Miền Đông mới); 61-10 (Bến xe Bến Cát – Bến xe Miền Đông mới) và một tuyến kết nối tỉnh Đồng Nai có mã số 60-9 (Bến xe Miền Đông mới – KDL Giang Điền).

19 tuyến kết nối nội thành có 2 tuyến trong danh mục do UBND TP công bố là M1 (Ga tàu thuỷ Bình An – Bến xe buýt Sài Gòn); M2 (Ga tàu thuỷ Bình An – Đường Liên Phường).

17 tuyến còn lại là các tuyến gom khách từ các trường học, khu dân cư để dễ dàng tiếp cận 14 nhà ga metro như Bến xe buýt Khu A Đại học Quốc gia – Vinhome Grand Park; Công viên Gia Định – Vinhome Grand Park; Đại học Quốc gia – Suối Tiên; Đại học Nông Lâm – Khu chế xuất Linh Trung 1; Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật – Ngã tư Bình Thái; Chung cư Man Thiện – Trường THCS Hoa Lư; Cao đẳng Công Thương – Trường THCS Phước Bình; Đại học Nông Lâm – Chung cư Topaz; Vincom Thủ Đức – Ngã tư Tây Hoà; Bến xe buýt Văn Thánh – Chung cư Đức Khải; Bến xe buýt Văn Thánh – Cư xá Thanh Đa; Chung cư Ngô Tất Tố - Ngã tư Hàng Xanh; Vinhome Central Park; Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi – Masteri An Phú; Đại học Nông Lâm – Khu Công Nghệ Cao; Bến xe buýt Sài Gòn – Nhà hát Thành Phố; Bến xe buýt Sài Gòn – Ga Hoà Hưng.

Cùng với đó, 11 tuyến buýt hiện hữu có lộ trình qua các ga ngầm ở khu trung tâm và dọc xa lộ Hà Nội được giữ nguyên hiện trạng, gồm: hai tuyến liên tỉnh (60-1, 60-2) và 9 tuyến nội thành (08, 19, 33, 43, 56, 76, 93, 141, 150).

15 tuyến khác sẽ điều chỉnh lại lộ trình, trong đó có 4 tuyến liên tỉnh và 11 tuyến nội thành kết nối vào ga Tân Cảng (quận Bình Thạnh) cùng khu vực bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) với các ga Suối Tiên, Đại học Quốc gia...

Tuyến Metro số 1 dự kiến vận hành thương mại trong năm 2024

Trước đó, HĐND TP.HCM đã thông qua chủ trương đầu tư dự án tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc Metro số 1. Dự án do Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM thực hiện với mức đầu tư hơn hơn 93 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố, thực hiện từ năm 2022 đến năm 2024.

Cùng với hệ thống buýt gom, dự án làm mới 230 điểm dừng chờ xe. Các nhà ga của Metro số 1 sẽ được bố trí lối đi bộ cho hành khách, nhà chờ xe buýt, bãi đậu xe buýt, bãi đậu xe cá nhân, nơi đón trả khách dành cho xe buýt, taxi, trạm dừng xe buýt trên xa lộ Hà Nội, cải tạo vỉa hè đường song hành xa lộ Hà Nội...

Metro số 1 có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng từ vốn ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của TP.HCM. Toàn tuyến dài gần 20km, từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP. Thủ Đức) với 14 nhà ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao).

Đến nay, tiến độ thi công toàn dự án Metro số 1 đã đạt khoảng 95%. Trong năm 2023, chủ đầu tư cùng tư vấn NJPT và các nhà thầu Nhật Bản sử dụng tất cả nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, hoàn thành công tác thi công trên toàn tuyến.

Song song đó, chủ đầu tư cũng đang phối hợp với phía tư vấn đánh giá an toàn hệ thống để tiến hành thử nghiệm, đánh giá tính an toàn của công trình trước khi đưa vào vận hành thương mại trong năm 2024.