- "Câu chuyện 3G hay 4G tại Việt Nam thời điểm hiện tại không phải là câu chuyện công nghệ mà là câu chuyện của khả năng tiêu dùng và khả năng đầu tư", ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nói.

LTS: Thời điểm triển khai dịch vụ băng rộng 4G vào Việt Nam đang trở thành mối quan tâm của đông đảo dư luận trong thời gian qua. Vì sao các nhà mạng vẫn chưa triển khai và thời điểm nào mới là thích hợp để đưa 4G vào Việt Nam đang là những câu hỏi được nhiều người đặt ra. Phóng viên VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến Điện về vấn đề này.

Chưa khai thác hết mạng 3G

- Các nước phát triển và nhiều quốc gia có điều kiện gần với Việt Nam đều đã triển khai 4G. Ông có cho rằng, việc Việt Nam đợi đến sau 2020 mới triển khai 4G là quá chậm?

- Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến Điện, Bộ TT&TT: Hiện nay, chúng ta đang thực hiện theo quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt. Theo quy hoạch này thì đến sau 2020 mới triển khai cấp phép 4G trên các băng tần mới đã được quy hoạch là băng tần 2.3 GHz và 2.6 GHz. Đáng nói là, công nghệ chủ đạo trên băng tần này là công nghệ LTE (4G). Tuy nhiên, theo các nghiên cứu thì tới sau 2015 thì công nghệ này mới đạt khoảng 15% trên thế giới.

{keywords}
Cục trưởng Đoàn Quang Hoan: "Triển khai mạng 4G ở Việt Nam không chỉ là câu chuyện của công nghệ mà là câu chuyện của khả năng tiêu dùng và khả năng đầu tư"

Kinh nghiệm của chúng ta cho thấy, khi tỉ lệ thâm nhập của công nghệ thấp dưới 10% thì việc thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ sẽ phải chịu giá thành đắt, thiết bị đầu cuối ít và giá cao. Do vậy, nếu triển khai dịch vụ 4G LTE vào thời điểm này sẽ không có được lợi thế về quy mô và cũng không phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam. Một minh chứng là, khi nhà mạng thiết lập 3G thì rất nhiều máy ở Việt Nam đã có sẵn 3G nhưng bây giờ khai 4G thì rất ít máy có thể sử dụng được 4G.

- Nhiều ý kiến cho rằng, các nhà mạng không muốn triển khai 4G do muốn có thời gian thu hồi vốn từ các khoản đầu tư rất lớn vào 3G trước đây?

- Đúng là sự đầu tư cho 3G là rất lớn. Tuy nhiên, đầu tư này không chỉ là của các nhà mạng mà còn là của người sử dụng. Trên thực tế, đầu tư của nhà mạng chỉ chiếm dưới 50% tổng đầu tư của mạng di động, còn sự đầu tư của người dùng cho các thiết bị đầu cuối mới thực sự lớn. Một khi đưa công nghệ 4G vào, nhà mạng sẽ phải tập trung cho công nghệ mạng mới trong khi số người dùng còn rất hạn chế. Trong khi đó, việc đưa công nghệ 4G vào cũng sẽ thúc đẩy cả xã hội lao vào đầu tư thiết bị mới trong khi thiết bị hiện tại vẫn chưa sử dụng hết khả năng. Đó sẽ là một sự lãng phí rất lớn.

- Tuy nhiên, liệu công nghệ mạng 3G có đủ đáp ứng nhu cầu của người dùng hiện tại khi có rất nhiều ý kiến phàn nàn rằng tốc độ của mạng 3G do các nhà mạng cung cấp rất chậm?

- Trên thực tế, ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa khai thác hết khả năng của mạng 3G. Mạng 3G nếu như được đầu tư tốt thì công nghệ HSPA của 3G đã có thể đáp ứng rất tốt nhu cầu về thông tin dữ liệu của người Việt Nam trên mạng di động.

Vấn đề chất lượng mạng 3G thực chất chỉ liên quan tới chuyện đầu tư mà thôi. Nếu người dùng tăng lên, nhà mạng có doanh thu, và dùng doanh thu này đầu tư lớn hơn cho công nghệ mạng 3G thì chắc chắn sẽ đáp ứng được về chất lượng. Câu chuyện 3G hay 4G tại Việt Nam thời điểm hiện tại không phải là câu chuyện công nghệ mà là câu chuyện của khả năng tiêu dùng và khả năng đầu tư. Do vậy, nếu như đặt vấn đề rằng, đưa công nghệ 4G vào băng tần mới ở Việt Nam ở thời điểm hiện tại đã phù hợp hay chưa thì tôi nghĩ rằng chưa.

Còn nhiều thách thức

- Việc triển khai dịch vụ băng rộng tại Việt Nam dường như luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thưa ông?

- Việc triển khai mạng 4G nói riêng và băng rộng vô tuyến nói chung tại Việt Nam luôn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Thứ nhất là thu nhập của người dân còn thấp và khả năng chi tiêu cho dịch vụ băng rộng còn hạn chế. Điều này dẫn tới tình trạng giá của băng rộng vô tuyến ở Việt Nam mặc dù rất thấp nhưng lại chiếm tỉ lệ trên cái thu nhập bình quân đầu người lại cao hơn các nước trên thế giới.

{keywords}
Triển khai 4G vào thời điểm hiện tại sẽ tạo ra những thách thức quá lớn

Thứ hai, dịch vụ nội dung trên mạng băng rộng ở Việt Nam còn ít. Câu chuyện OTT sẽ là câu chuyện ngày càng lớn hơn khi các dịch vụ OTT chủ yếu là nước ngoài cung cấp trên mạng vật lý của Việt Nam trong khi các dịch vụ của VN còn rất hạn chế.

Thứ ba là chúng ta thiếu một hạ tầng giao thông công cộng để tạo điều kiện cho việc sử dụng dịch vụ di động. Khác với các nước phát triển, người Việt Nam ra khỏi nhà là đi xe máy và các phương tiện giao thông cá nhân, không thể nào sử dụng các dịch vụ di động được. Do vậy, mặc dù chúng ta phát triển hạ tầng di động nhưng chủ yếu lại cung cấp dịch vụ trong các công sở và trong nhà hơn là khi “di động”.

Điều này dẫn tới khó khăn thứ 4 là yêu cầu về hạ tầng vùng phủ sóng là phải indoor (trong nhà). Trong điều kiện ở Việt Nam là phố hẹp, ngõ sâu, nhà nhỏ khả năng truyền sống rất kém, nhà mạng muốn phủ sóng đến nơi người sử dụng. Yêu cầu này dẫn tới sự đầu tư của nhà mạng phải rất lớn.

- Ngoài vấn đề thời điểm chưa chín muồi, việc triển khai mạng 4G tại Việt Nam có gặp khó khăn nào khác không, thưa ông?

- Hiện nay nếu đưa băng rộng vào băng tần cao 2.3GHz và 2.6GHz thì do đặc tính truyền sóng của nó không tốt bằng các băng tần thấp thì khả năng thâm nhập indoor kém hơn rất nhiều. Để đảm bảo khả năng phủ sóng indoor như trong điều kiện sử dụng tại Việt Nam thì nhà mạng phải đầu tư rất lớn và do đó giá thành dịch vụ sẽ cao lên. Và với giá thành hiện nay thì đây sẽ là một thách thức quá lớn.

- Vậy chúng ta sẽ giải quyết vấn đề ra sao khi theo quy hoạch thì chúng ta chỉ có 2 băng tần này dành cho việc triển khai 4G?

- Giải quyết khó khăn này cũng là một lý do khiến chúng ta chưa triển khai dịch vụ 4G ở thời điểm hiện tại. Do giá thành của việc đầu tư triển khai 4G trên các băng tần cao quá lớn nên chúng ta sẽ không vội đầu tư vào các băng tần này và sẽ đợi đến khi quy mô công nghệ đủ lớn để giá thành thiết bị và giá thành dịch vụ đủ rẻ thì mới triển khai.

Phương án giải quyết thứ 2 đang được tiến hành là nghiên cứu để quy hoạch lại băng tần, sắp xếp băng tần để nhà mạng có thể cung cấp dịch vụ băng tần ở băng tần thấp. Ví dụ băng tần đang sử dụng cho 2G, băng tần đang sử dụng cho truyền hình.

Xin cảm ơn ông!

Lê Văn (thực hiện)