Hình thành một hệ sinh thái ứng dụng và dịch vụ đi theo 4G với thành tố Internet của vạn vật là một vấn đề quan trọng được nhắc đến trong các phát biểu khai mạc Hội thảo "Phát triển tiềm năng 4G LTE hướng tới kỷ nguyên Internet kết nối vạn vật".

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm khẳng định Bộ sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong việc phát triển và ứng dụng các dịch vụ, công nghệ tiên tiến như 4G.

Sự đồng hành này "vì sự phát triển chung của ngành, của doanh nghiệp và vì lợi ích của xã hội", Thứ trưởng nhấn mạnh trong thông điệp tại Hội thảo "Phát triển tiềm năng 4G LTE hướng tới kỷ nguyên Internet kết nối vạn vật" sáng 18/8.

{keywords}

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu tại Hội thảo.

Theo ông Tâm, Bộ TT&TT rất coi trọng việc phát triển thông tin di động băng rộng các thế hệ tiếp theo để có hạ tầng viễn thông hiện đại, làm nền tảng cho phát triển kinh tế số, góp phần chuyển đổi cơ cấu tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ đã tham mưu Chính phủ ký ban hành Quyết định 149/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển hạ tầng viễn thông đến năm 2020. Một trong những mục tiêu cơ bản là phủ sóng 3G/4G phục vụ 95% dân số vào năm 2020, đủ năng lực cung cấp đa dịch vụ băng rộng với chất lượng tốt, giá cước hợp lý theo cơ chế thị trường.

Thời gian qua, Bộ đã cho phép các DN viễn thông trong nước thử nghiệm 4G LTE. Hiện tại 3 nhà mạng VNPT, Viettel, MobiFone đang trong quá trình đánh giá kết quả thử nghiệm và hoàn tất thủ tục xin cấp phép chính thức triển khai thương mại hệ thống thông tin di động 4G trên băng tần 1800 MHz.

Phải có một hệ sinh thái 4G

Một vấn đề rất quan trọng được nhắc đến tại các phát biểu khai mạc Hội thảo, chính là việc hình thành một hệ sinh thái ứng dụng và dịch vụ đi theo 4G, mà Internet của vạn vật là một thành tố không thể thiếu.

Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định "Chính phủ VN rất khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, sự năng động sáng tạo trong kinh doanh, khuyến khích và tạo mọi điều kiện phát triển, ứng dụng những công nghệ tiên tiến như 4G LTE, IoT... để phục vụ cộng đồng, giám sát và bảo vệ môi trường, xây dựng nhà thông minh, thành phố thông minh...". Mạng và dịch vụ di động 4G mở ra cơ hội lớn cho việc đạt được các mục tiêu này. Cụ thể, các doanh nghiệp, nhất là DNVVN có cơ hội phát triển kinh doanh trên môi trường số mọi lúc, mọi nơi với chi phí tối thiểu, tạo thuận lợi cho việc kết nối thông suốt giá trị sản xuất, hàng hóa, dịch vụ, phân phối trong nước và quốc tế, Chính phủ có điều kiện triển khai chính quyền điện tử rộng khắp. "Vì vậy, việc phát triển bền vững cũng như kinh doanh hiệu quả 4G gắn kết chặt chẽ với việc phát triển hệ sinh thái ứng dụng", Thứ trưởng nêu rõ.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên cho rằng, tại thời điểm này không nên chỉ bận tâm đến duy nhất vấn đề hạ tầng khi triển khai 4G nữa, mà quan trọng hơn, các nhà mạng, cơ quan quản lý phải quan tâm đến việc khi 4G đi vào đời sống thì nó sẽ được ứng dụng như thế nào, phục vụ người dùng như thế nào và mang lại những lợi ích ra sao.

Từ góc độ chuyên gia quốc tế, ông Mantosh Malhotra, Giám đốc Qualcomm khu vực đông Nam Á cũng đặc biệt lưu ý điểm này trong phần khuyến nghị với cơ quan quản lý và doanh nghiệp viễn thông Việt Nam. "Từ kinh nghiệm mà chúng tôi có được trong quá trình tư vấn cho Chính phủ các nước về quy hoạch băng tần, phân tích xu hướng công nghệ để xây dựng chiến lược triển khai 4G, cũng như trong quá trình hợp tác với các nhà mạng để quy hoạch mạng lưới, Qualcomm nhận thấy không một doanh nghiệp đơn lẻ nào có thể đảm bảo triển khai 4G thành công. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Chúng ta cần sự tham gia của cả một hệ sinh thái".

Thực tiễn 4G tại các nước đã triển khai cho thấy công nghệ này mở ra rất nhiều cơ hội cho Internet của vạn vật. Nếu như cả thế giới hiện chỉ có khoảng 1,3 tỷ smartphone thì một khi kết nối các thiết bị IoT với mạng 4G, số lượng thiết bị có thể tăng lên hàng chục, hàng trăm tỷ thiết bị. "Đây là thời điểm hoàn toàn thích hợp để Việt Nam tham gia vào hệ sinh thái IoT toàn cầu", ông Malhotra nhận định.

Tuy nhiên, cũng như mọi công nghệ mới khác, bên cạnh những cơ hội mở ra, 4G cũng đi kèm với nhiều thách thức mà Việt Nam cần phải đối mặt, chuyên gia Qualcomm lưu ý, chẳng hạn như vùng phủ sóng, an toàn bảo mật, năng lực mạng lưới, đảm bảo chất lượng dịch vụ và giá cả thiết bị phải phù hợp với ngân sách người dùng. Để vượt qua những thách thức này cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách quản lý và cam kết mạnh mẽ từ phía nhà mạng.

"Chính vì thế, thông qua Hội thảo "Hội thảo Phát triển tiềm năng 4G LTE hướng tới kỷ nguyên kết nối vạn vật", Bộ TT&TT mong muốn có cơ hội cùng các doanh nghiệp, chuyên gia thảo luận, cập nhật về cơ hội, thách thức trong lộ trinh xây dựng và phát triển mạng 4G tại VN, những bài học kinh nghiệm quốc tế và cơ chế quản lý, các giải pháp kinh doanh... để góp phần cho phát triển thành công mạng 4G LTE tại VN", Thứ trưởng Phan Tâm kết luận.

"Hội thảo Phát triển tiềm năng 4G LTE hướng tới kỷ nguyên kết nối vạn vật" do Bộ TT&TT chủ trì bao gồm 1 phiên báo cáo chính và 2 phiên thảo luận chủ đề, tập trung vào những vấn đề nóng xung quanh việc triển khai 4G LTE như Lộ trình triển khai 4G LTE tại Việt Nam (Cục Viễn thông), Phát huy tối đa tiềm năng và phát triển công nghệ LTE tại Việt Nam (Qualcomm), "Một số vấn đề cần quan tâm khi triển khai 4G LTE tại Việt Nam" (Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng"...

Chuyên đề 1 có chủ đề "Tối ưu hóa nguồn tài nguyên và hạ tầng cho mạng 4G LTE", tập trung thảo luận về chính sách quản lý băng tần trong thời gian tới, các giải pháp an ninh bảo mật cùng kinh nghiệm tối ưu chi phí đầu tư hạ tầng 4G hiệu quả. Chuyên đề hai tập trung vào việc phát triển các hình thức kinh doanh và dịch vụ trên nền tảng 4G LTE với mục tiêu tạo ra một hệ sinh thái ứng dụng và nội dung dành cho công nghệ này.

Song song với Hội thảo, Triển lãm sản phẩm thiết bị đầu cuối và giới thiệu công nghệ mới cho 4G cũng có sự tham gia của các đơn vị VNPT, Mobifone, Viettel, OPPO, CMC Telecom,.

T.C