Bệnh Parkinson xảy ra phổ biến ở người cao tuổi, là một trong những bệnh thoái hóa hệ thần kinh tiến triển nặng dần theo thời gian. 

Ngày 11/4 hằng năm được xem là ngày Thế giới hiểu biết về bệnh Parkinson. Đây cũng là ngày sinh nhật của James Parkinson, bác sĩ thần kinh đầu tiên mô tả về căn bệnh. 

Tại Việt Nam, Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM) tiếp nhận và điều trị cho hơn 3.000 người bệnh Parkinson mỗi năm. Không ít trường hợp được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, ảnh hưởng nặng nề đến điều trị và chất lượng cuộc sống.

Theo Đơn vị Rối loạn vận động, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, 5 điều sau đây có thể nhiều người chưa biết về bệnh Parkinson:

1. Triệu chứng không hoàn toàn giống nhau

Triệu chứng của người bệnh Parkinson phụ thuộc vào mức độ tiến triển của bệnh. Trong đó, một số biểu hiện thường gặp gồm run, ảo giác, thiếu ngủ…

2.  Thay đổi chữ viết tay và mất khứu giác là dấu hiệu sớm 

Khi mắc bệnh Parkinson, người bệnh thường bị cứng đờ cơ bắp, gặp khó khăn khi cử động các ngón tay dẫn đến việc thay đổi nét chữ. Ngoài ra, chức năng khứu giác bị suy giảm khiến người bệnh không phân biệt được mùi bình thường như chua, cay hoặc hôi…

Run tay là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân Parkinson. Ảnh minh họa: Shutterstock.

3.  Tuổi tác là yếu tố nguy cơ 

Nguyên nhân của bệnh Parkinson vẫn chưa được biết rõ nên rất khó để xác định yếu tố nguy cơ. Tuổi là yếu tố nguy cơ duy nhất được biết đến. Sau tuổi 50, tuổi càng cao sẽ càng dễ mắc bệnh Parkinson. Khoảng 5% trường hợp bệnh Parkinson khởi phát ở người trẻ.

Ngoài ra, một số người bệnh Parkinson có họ hàng gần cũng mắc bệnh. Có nghiên cứu cho rằng, tiếp xúc lâu dài với vài yếu tố môi trường như thuốc trừ sâu, hóa chất… có thể tăng nguy cơ phát triển bệnh Parkinson. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được chứng minh.

4.  Tập luyện phù hợp có thể cải thiện triệu chứng 

Đối với người bệnh Parkinson, tập luyện là một phần quan trọng để duy trì khả năng vận động. Các bác sĩ khẳng định, chế độ tập thể dục và hoạt động thể chất đều đặn có thể cải thiện nhiều triệu chứng và làm giảm tiến trình phát triển của bệnh.

5. Biểu tượng của bệnh Parkinson

Hoa tulip đỏ tượng trưng cho bệnh Parkinson, còn biểu tượng ruy băng màu bạc hưởng ứng nâng cao nhận thức về bệnh rối loạn thần kinh cho cộng đồng.

Năm 1980, Van der Wereld - một người bệnh Parkinson, đã trồng thành công biến thể hoa tulip màu đỏ và trắng mới. Loài hoa này ban đầu được đặt tên là hoa tulip Tiến sĩ James Parkinson để vinh danh vị bác sĩ đã có những đóng góp to lớn trong điều trị căn bệnh này.

Đến năm 2005, hình ảnh hoa tulip đỏ chính thức được công nhận là biểu tượng cho căn bệnh Parkinson tại Hội nghị Ngày Bệnh Parkinson thế giới lần thứ 9 ở Luxembourg.

Hoa tulip đỏ được biết đến là biểu tượng của bệnh Parkinson. Ảnh: UMC. 

Chiến dịch ruy băng bạc được khởi nguồn vào năm 1993 tại California (Mỹ). Ngoài mong muốn nâng cao nhận thức cộng đồng về các bệnh lý rối loạn thần kinh và bại liệt, hình ảnh ruy băng bạc còn thể hiện sự quan tâm đến người bệnh, xoá bỏ sự kỳ thị của xã hội. Đồng thời, thể hiện niềm tin, hy vọng vào những nghiên cứu cho quá trình điều trị.

Hiện tại, dải băng bạc là biểu tượng được quốc tế công nhận, tượng trưng cho nhận thức cộng đồng liên quan đến nhu cầu hỗ trợ của những người bệnh rối loạn thần kinh và khuyết tật.