Ngày 2/10, Hội đồng Nobel đã thông báo nhà khoa học Katalin Karikó và Giáo sư sinh học phân tử Drew Weissman cùng nhận giải Nobel Y Sinh năm 2023 nhờ nghiên cứu dẫn tới vắc xin mRNA.
Bà Karikó làm rạng danh Hungary, đất nước chưa đến 10 triệu dân mà có đến 18 giải Nobel với đầy đủ các hạng mục trừ giải Nobel Hòa bình.
Để có được sự ghi nhận này, bà đã trải qua hàng chục năm cay đắng, tủi nhục vì không được công nhận, bị đuổi việc đến 4 lần từ Hungary đến Mỹ. Nhưng cuối cùng, sau hơn 40 năm theo đuổi công trình "viển vông” của bà Karikó, mRNA đã được ứng dụng làm vắc xin để cứu nhân loại trong đại dịch Covid-19 vừa qua.
Tiến sĩ Hóa dược Phạm Trường Sơn đã gặp bà Karikó 2 lần, được nghe những câu chuyện thật về cuộc đời bà. Tiến sĩ Sơn phân tích 5 yếu tố làm nên giải Nobel của người “phụ nữ thép” này:
1. Sự kiên định
Bà Karikó đã chia sẻ trong một lần vinh danh tại Viện Hàn lâm Khoa học Hungary: “Tôi chỉ là một người bình thường nhưng dám theo tận cùng niềm tin khoa học”.
Sự kiên định đã khiến bà là một trong số rất ít các nhà khoa học dành cả cuộc đời để nghiên cứu đề tài duy nhất. Ở những năm 1980, khi công nghệ gene nổi lên, tất cả giới khoa học chỉ tập trung vào DNA và cho rằng đây mới chính là chìa khóa để chữa tất cả mọi bệnh tật. Lúc đó mRNA, chuỗi mang thông tin không bền bị hắt hủi vì lý do không thể nào tồn tại lâu trong cơ thể vì thế không thể ứng dụng được.
Bà đã kiên định, đi ngược lại số đông chỉ tập trung vào giải quyết vấn đề duy nhất “giúp chuỗi mRNA bền vững hơn”. Nghe có vẻ đơn giản nhưng sự kiên định lấy của bà hơn 40 năm, lấy đi bao nhiêu vinh quang và mang lại khó khăn về tài chính cùng với sự xem thường của đồng nghiệp vì cho rằng bà đang theo đuổi một công trình điên rồ.
Thế rồi hơn 40 năm sau, sự kiên định của bà đã đúng. Trong suốt cuộc đời, bà điều chế hơn 6.000 chuỗi mRNA, chỉ chưa đến 10 chuỗi cuối cùng mới đủ bền để tồn tại trong cơ thể để có thể sử dụng được
Nhiều người cho rằng, nhờ dịch bệnh mà công trình của bà mới được biết đến, tiền đề đi tới giải Nobel. Tuy nhiên, nếu không có dịch Covid-19 thì công trình vĩ đại của bà không sớm thì muộn cũng sẽ được ghi nhận bởi ứng dụng mRNA mở ra một kỷ nguyên mới trong việc làm vắc xin chống lại dịch bệnh nhanh và hiệu quả hơn nhiều so với phương pháp truyền thống. Đặc biệt công trình này còn được dùng để tạo vắc xin cho cả bệnh tim mạch và ung thư, hai bệnh gây tử vong hàng đầu cho nhân loại.
Sự kiên định để theo đuổi đến cùng niềm tin chính là yếu tố quan trọng nhất khiến bà hưởng được quả ngọt là giải Nobel 2023.
2. Bản lĩnh vượt thất bại
Có người từng nói, bí quyết của người thành công chính là biết cách nếm mùi thất bại. Nhưng nói dễ, làm mới khó. Ai là người đủ bản lĩnh để vượt qua mọi chê bai, xem thường của người trong nghề trong hơn 40 năm?
Ngay từ khi ở Hungary, bà bị mất việc ở Viện nghiên cứu Szeged vì đợt cắt giảm nhân sự năm 1985 mà nguyên nhân sâu xa là công trình không được đánh giá cao. Sau khi cùng gia đình sang Mỹ với 100 USD giấu trong gấu bông, bà được nhận vào các trường đại học Mỹ. Thế nhưng cuộc đời bà cũng không khá hơn là bao. Công trình của bà liên tiếp bị từ chối nhận tài trợ nghiên cứu nên bà liên tục bị đuổi việc. Thậm chí có lần bà còn bị dọa cắt hợp đồng và đưa lên văn phòng người nhập cư để trục xuất về Hungary…
Thế nhưng chính vì thất bại quá nhiều và quá sớm đã khiến bà càng quyết liệt hơn. Như một lò xo càng nén thì càng bật mạnh. Bà miệt mài làm việc bảo vệ niềm tin của mình. Chính vì thất bại trong việc xoay xở tài chính để nghiên cứu nên hơn 40 năm, bà đều tự tay làm hết các công trình mà không có người giúp đỡ. Có lẽ vì thế, bà mới phát hiện được các mấu chốt quan trọng để thay đổi trong quá trình điều chế chuỗi mRNA. Để đến một ngày đẹp trời, bà đã chạm tay đến ước mơ: Tạo được chuỗi mRNA bền vững.
3. Khả năng lưu trữ và tổng hợp thông tin tuyệt vời
Hầu hết các nhà nghiên cứu hiện nay thường theo đuổi 1 đề tài lâu lắm là 10 năm, trung bình là 2-3 năm. Khi có kết quả đăng tạp chí khoa học, họ kết thúc dự án và nhiều khi quên hẳn để sang một đề tài mới. Hiếm ai dành hơn 4 thập kỷ chỉ nghiên cứu một đề tài.
Vì vậy, khối thông tin đồ sộ mà bà cần lưu giữ và xử lý là điều khó khăn nhất. Bà kể, mỗi tuần bà dành 1 ngày chỉ để sắp xếp lại thông tin lưu trữ và đọc lại kết quả nghiên cứu của hàng chục năm trước nhằm so sánh và vạch định hướng đi mới. Bà dùng Excel mở từng mục riêng và ghi chép tỉ mỉ sự thay đổi theo từng ngày. Nếu các tài liệu ấy được in ra giấy thì phải cần cả một thư viện để lưu trữ.
Nhưng chính vì làm rất tốt việc này mà bà phát hiện ra chìa khóa khiến sợi mRNA trở nên bền vững hơn.
4. Gặp đúng người đúng thời điểm
Người quan trọng góp phần làm nên sự thành công của bà Katalin chính là Giáo Sư Drew Weissman, đồng nghiệp từ thời làm việc ở trường Đại học Pennsylvania (Mỹ). Trong một lần tình cờ nói chuyện khi chờ máy photocopy, bà đã chia sẻ khó khăn trong việc điều chế chuỗi m-RNA bền vững.
Giáo sư Weissman đã hợp tác cùng bà Katalin để làm chuỗi m-RNA chứa nucleoside khác nhau. Điều này đã khiến m-RNA không chỉ bền để tồn tại trong cơ thể mà còn tránh phản ứng quá mạnh mẽ của hệ miễn dịch để có thể sử dụng một cách an toàn trong cơ thể. Ông cũng là người chia sẻ giải Nobel năm nay. Gặp đúng người, đúng thời điểm quan trọng là thế.
Thật thiếu sót khi không kể công của chồng bà, hậu phương vững chắc nhất, người đã hỗ trợ không chỉ về mặt tinh thần mà còn lùi lại lo cho con cái và gia đình để bà toàn tâm toàn ý vào nghiên cứu. Bà từng chia sẻ, nếu chồng bà là một người khác thì chưa chắc bà đã có thể theo đuổi đến cùng để đạt thành công như ngày nay. Bà tự hào kể, ông là người nới rộng căn phòng khách để bà có chỗ treo các huy chương bà nhận được trong suốt 3 năm qua.
Con gái bà, vận động viên chèo thuyền 2 lần đoạt huy chương vàng Olympic thế giới cũng biết ơn công lao của bố.
Đây là 2 người đàn ông quan trọng nhất để bà Katalin có được thành công như ngày nay.
5. Quyết liệt bảo vệ những gì thuộc về mình
Khi sự hợp tác giữa bà Karikó và Giáo sư Weissman thành công, biến ước mơ thành sự thật là có được chuỗi mRNA bền vững, bà suýt bị “hất cẳng” khỏi chính công trình của mình. Trường đại học nộp bằng sáng chế đã bỏ tên bà ra khỏi người chủ đề tài mà thay bằng Giáo sư Weissman.
Khi hồ sơ sắp duyệt xong, bà mới phát hiện ra, “con giun xéo lắm cũng quằn”, vì đã chịu quá nhiều cay đắng và bất công nên bà làm lớn chuyện, nhưng đều bị từ chối trả lời. Cho đến khi bà quyết liệt nói chuyện cùng Giáo sư Weissman thì mọi chuyện mới được giải quyết. Tên bà đã được trả về đúng vị trí.
Tuy nhiên, bà lại chẳng được hưởng lợi ích bao nhiêu khi trường đại học nơi bà làm việc đã bán rẻ cho một công ty nhỏ, sau vài lần sang tên thì nay có trị giá hơn 1 tỷ USD. Nhưng bà không có gì trong đó ngoài các giải thưởng mà bà được nhận liên quan đến “con gà đẻ trứng vàng” cho các tập đoàn.
Bà chia sẻ không có nhu cầu cao về vật chất. Vợ chồng bà vẫn ở trong ngôi nhà cũ, đi xe cũ nên việc bà không được trả công xứng đáng từ công trình của mình không làm bà quá vướng bận.
Trong một chương trình, người MC hỏi bà: “Sau tất cả, điều gì làm bà hạnh phúc nhất?”. Bà nói: “Năm 2021, tôi được mời đến thăm viện dưỡng lão ở Mỹ, tôi được các ông bà cụ tặng hoa và vẽ lên giấy: ‘Chúng tôi yêu bạn, cám ơn bạn đã giúp chúng tôi được về với gia đình dịp Noel này mà không phải cách ly’. Đối với tôi, đó là phần thưởng ý nghĩa nhất và làm tôi hạnh phúc nhất”.
Bà khóc và cả khán phòng đều khóc…
Tôi đã 2 lần được gặp và nói chuyện trực tiếp với bà, nghe lại chia sẻ của bà trong khuôn khổ cuộc họp báo chuẩn bị làm phim tài liệu về bà năm 2021 khi bà được dự đoán sẽ nhận giải Nobel. Tuy nhiên, mãi đến 3 năm sau, bà mới được vinh danh, không có gì là quá muộn vì lúc đó tôi đã chắc chắn bà sẽ nhận giải Nobel.
Sau khi biết tin mình được giải, bà chia sẻ đơn giản: “Hãy tập trung làm việc gì mà mình có thể thay đổi, thay vì thay đổi người khác”.
Và việc làm của bà đã thay đổi cả nhân loại trong đó có tôi, cám ơn bà vì tất cả.
Tiến sĩ Hóa dược Phạm Trường Sơn
Nguyên nghiên cứu viên Viện Hàn Lâm Khoa học Hungary
Budapest 3/10/2023