Nếu bạn quan tâm đến game, bạn có trình độ lập trình khá chắc và đang muốn bắt tay vào việc thực hiện một số dự án mình ấp ủ, hãy lưu ý những điểm sau đây, tin rằng phần nào nó có thể giúp ích được cho bạn trên bước đường lập nghiệp của mình. 

Đầu tiên, phải nói đến sở thích, niềm đam mê, bởi nếu không có đủ động lực đối với công việc của mình, bạn sẽ rất nhanh chóng cảm thấy nản chí và muốn từ bỏ. Trong quá trình thực hiện ý tưởng, bạn có thể vướng phải những vấn đề không lường trước được, cảm thấy chán nản, mệt mỏi và tệ hơn đó là gánh nặng tài chính. Vậy, điều mà bạn cần là gì?

Nắm rõ các điều khoản hợp đồng

Đây có thể như là một hợp đồng ký kết quyết định số phận của bạn. Hiện nay, để có thể tạo ra một tựa game, bạn cần kết hợp giữa khả năng lập trình, một cốt truyện đủ hay và không kém phần quan trọng chính là vấn đề âm thanh, dù cho những thứ này không liên quan tới nhau nhưng lại có thể cùng hợp tác. Do vậy, một bản hợp đồng với các điều khoản giao dịch rõ ràng là rất cần thiết. Bạn phải đảm bảo được quyền lợi của mình hơn là việc nhận được bao nhiêu tiền, điều này áp dụng cho cả khi bạn được người khác thuê hay thuê người khác để thực hiện dự án. Nếu không có các điều khoản ràng buộc, mọi thứ đều có thể xảy ra.

Hình thành một công ty

Điều này không những tốt trong việc kinh doanh sau này của bạn mà còn khá hữu ích trong một số trường hợp. Ví dụ, nếu một trò chơi của bạn dành cho chiếc Oculus Rift nhận được những lời khiếu nại từ người sử dụng rằng nó khiến họ bị lác mắt, bạn có thể sẽ phải gánh trách nhiệm đó một mình, nhưng nếu có một công ty thì khác, mọi người cùng chia sẻ trách nhiệm với nhau. Đó là những thay đổi mới nhất trong chính sách của Kickstarter, các "mạnh thường quân" có thể kiện các bạn nếu như bạn không tuân theo các cam kết (ví dụ bạn được tài trợ để phát triển một tựa game, nhưng bạn lại không gửi trò chơi đó cho họ, họ có thể kiện bạn).

Tốt nhất, hãy thực hiện tốt các cam kết giao dịch. Mặc dù đôi khi sự việc xảy ra nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, thậm chí một số người còn kiện bạn chỉ vì những lý do chẳng ra đâu vào đâu nhưng nếu ở tình huống đó, thì công ty, doanh nghiệp của bạn bị kiện đôi khi cũng tốt hơn so với việc người ta kéo đến thẳng nhà của bạn.

Hiện nay, hầu hết chính phủ các nước đều tạo điều kiện thuận lợi để các công dân có thể thành lập một doanh nghiệp riêng và thành lập công ty nằm ngoài quốc gia của mình sẽ phức tạp hơn nhiều, nhưng cũng không phải là không thể.

Ăn chia lợi nhuận

Đây là điểm mà bạn nên thận trọng nhất. Khi bạn mở một công ty cùng một vài người bạn, việc làm ăn trở nên thuận lợi thì doanh thu sẽ tăng lên, những cám dỗ cũng phát sinh theo, do vậy việc chia chác thế nào cho hợp lý cũng là điều bạn nên nhớ. Nếu không, rất có thể sau này nó sẽ khiến bạn phải đau đầu đấy. Rất hiếm có trường hợp hai người (hoặc hơn) đều đầu tư công bằng vào một dự án và bình đằng trước sự thành công của nó. Bạn nên đặt vấn đề này từ lúc mới bắt đầu hợp tác, mặc dù có chút khó chịu nhưng nó lại rất quan trọng cho sau này.

Tất nhiên, đội ngũ nòng cốt, những người góp công sức nhiều nhất và tồn tại cùng doanh nghiệp lâu năm nhất sẽ là người có tiếng nói, và nắm được nhiều giá trị hơn. Gần đây nhất, chúng ta có được biết tới vụ việc Microsoft thâu tóm Mojang (cha đẻ của Minecraft), thế nhưng Markus "Notch" Perrson, thành viên chủ chốt của Mojang vẫn nắm trong tay 70% cổ phiếu của công ty này. Việc Notch nắm trong tay phần lớn giá trị tập đoàn như vậy cũng bởi vì ông là người đóng góp rất nhiều ý tưởng, hơn nữa cũng rất nỗ lực thực hiện các ý tưởng đó, làm nên Mojang và Minecraft tên tuổi như ngày hôm nay.

Việc đối đãi với những người từ chối các cơ hội có mức thu nhập cao hơn để gia nhập nhóm phát triển của bạn cũng là điều cần thiết. Đó có thể là các lập trình viên có tay nghề cao, họ có thể kiếm được rất nhiều tiền trong các ngành công nghiệp khác. Một khoản chi phí thỏa đáng cho họ là điều nên làm bởi nó cũng phần nào phản ánh công sức của họ đang đóng góp cho bạn. Ban đầu việc hợp tác có thể khá nhàn nhã, song khi mà công ty của bạn đã bắt đầu có tên tuổi, doanh thu tăng vọt thì cũng phát sinh rất nhiều cám dỗ. Bởi vậy, việc ăn chia phải có tính cân đối và hợp lý nếu bạn không muốn vì đó mà phát sinh nhiều rắc rối không đáng có.

Bảo vệ thương hiệu của mình

Việc đăng ký thương hiệu của công ty và tên trò chơi cũng khá quan trọng, cũng giống như King - cha đẻ của tựa game Candy Crush Saga - đăng ký bảo vệ "bản quyền hóa" tên tuổi tựa game của mình. Điều này chắc chắn sẽ khiến bạn mất một khoản tiền, thậm chí còn bị đánh thuế nếu đó là một dự án solo hay một nhóm nhỏ đang "ăn mì trường kỳ" trong khi chờ đợi tung trò chơi lên Kickstarter.

Điều cuối cùng là bạn nên tham khảo thêm các thương hiệu đã xuất hiện trên thị trường, để tránh tình trạng vi phạm bản quyền và vướng vào những vụ kiện không đáng có. Đã có trường hợp một công ty của Malaysia đặt tên là "Team Sprocket" nhưng sau đó đã phải chuyển thành "Sprocketpunk" vì có một hãng săn xuất xe đạp trẻ em có chữ "sprocket" đã xuất hiện từ năm 1970 rồi.

Nên tham khảo ý kiến của luật sư

Nhiều người có thành kiến đối với nghề "thầy cãi" này song nó lại là một giải pháp khá an toàn đối với các doanh nghiệp mà bạn nên học tập. Họ có thể giúp cho bạn có được những hiểu biết sâu hơn về pháp luật, tránh được những rắc rối pháp lý và bảo vệ quyền lợi của bạn trước những công ty khác.

Quay ngược lại năm 1984, Nintendo khi đó chỉ là một công ty đồ chơi tầm trung của Nhật Bản, là lính mới của ngành công nghiệp game và mới chỉ đạt được thành công đầu tiên ở khu vực Bắc Mỹ với Donkey Kong, cú hit bất ngờ của hãng năm 1981. Còn Universal Studio khi đó là một đế chế điện ảnh nổi tiếng từ giữa thập niên 10 của thế kỷ trước và được biết đến với hình ảnh King Kong cùng rất nhiều thứ khác trên màn bạc. Ban đầu, Universal đe dọa sẽ khởi kiện Nintendo (vốn nhỏ bé hơn họ rất nhiều) ra tòa án vì lý do vi phạm sở hữu trí tuệ và thương hiệu. Tuy nhiên, Nintendo đã đi trước một bước khi đưa vụ này ra tòa trước tiên.

Nếu như Nintendo để thua vụ kiện này và mất thương hiệu Donkey Kong vào tay Universal, ngày nay chúng ta khó có thể thấy được một đế chế game thứ hai đến từ đất nước mặt trời mọc. May mắn thay, Nintendo đã thắng cả vụ kiện ban đầu cũng như kháng cáo. Không chỉ vậy, qua vụ kiện này người ta cũng phát hiện ra rằng Universal không phải là đơn vị độc quyền sở hữu các thương hiệu mang hình ảnh King Kong. Universal đã phải bồi thường thiệt hại cho Nintendo số tiền gần 2 triệu USD và Nintendo cũng bổ nhiệm một trong những luật sư của họ, Howard Lincoln, làm giám đốc điều hành cho chi nhánh công ty ở bên Mỹ, bắt đầu một thời kỳ mới – thời kỳ game Nhật Bản làm mưa làm gió.

Lời kết

Nếu bạn chưa đủ tự tin để thực hiện, hãy xem xét lại việc phát triển game có thực sự là một cái gì đó mà bạn đam mê, và sẵn sàng làm mọi thứ để thực hiện nó không. Suy cho cùng, công việc thực tế của bạn khi bước chân vào ngành phát triển game sẽ còn nhiều gian truân hơn nhiều, nhưng ít ra thì những điều trên đây có thể giúp bạn đảm bảo được công việc, và ý tưởng, quyền lợi của bạn được an toàn trong tương lai.

T.B