Chữa nấc cụt bằng mẹo, virút từ đâu ra, vì sao con người “già không đều” hoặc dị ứng đến và đi ra sao cho tới đau nửa đầu có nguồn gốc từ đâu. Đây là những hiện tượng rất quen với con người nhưng bản chất khoa học vẫn chưa tường hết.
1. Chữa nấc bằng mẹo lại hiệu quả?
Đến nay khoa học vẫn chưa chắc chắn vì sao con người ta lại bị nấc, hiện tượng rất đơn giản nhưng chứa đựng nhiều bí ẩn. Nấc cụt hay còn gọi ngắn là nấc, hoặc ách nghịch là những đợt co thắt đột ngột không tự chủ, ngắt quãng của cơ hoành mang tính lặp đi lặp lại, có thể do thì hít vào bị ngưng đột ngột, thanh môn bất ngờ đóng lại. Ở người, sự co thắt đẩy luồng khí đột ngột ra khỏi buồng phổi làm nắp thanh quản đóng lại và gây ra tiếng nấc.
Trong y học, nấc được gọi là chứng kích động cơ hoành đồng bộ (synchronous diaphragmatic flutter), chỉ diễn ra vài phút, nhưng cũng có trường hợp kéo dài nhiều giờ hoặc 1 - 2 ngày, thậm chí nhiều năm. Tuy nhiên, nấc lại không ảnh hưởng đến sức khỏe và đôi khi chỉ cần mẹo vặt cũng có thể rút ngắn thời gian nấc nhưng tác dụng không đồng nhất, người khỏi, kẻ không. Ví dụ như ăn một thìa đường hoặc nín thở cho đến khi hết nấc hoặc cũng có thể tăng hàm lượng carbon dioxide (CO2) trong máu cũng có tác dụng, nhưng người ta lại không hiểu được cơ chế này. Một số giải pháp khác tác động đến dây thần kinh phế vị giống như trong quá trình nín thở cũng có tác dụng tức thì, nhưng khoa học lại chưa nắm rõ điều gì đã tác động đến cơ hoành. Thậm chí, kéo tai hay nhấn vào huyệt mắt hoặc massage trực tràng, nhất là trường hợp nắc “cực đoan” cũng có tác dụng tức thì vì nó gây kích thích đến dây thần kinh phế vị.
2. Virút tồn tại ở dạng gì?
Câu hỏi virút hiện đang tổn tại ở dạng gì đang được xem vấn đề nan giải của khoa học, ở dạng sống, hoặc không phải dạng sống. Kể từ khi biết được sự tồn tại của virút, khoa học vẫn chưa xác định được virút tồn tại ra sao. Ban đầu, được xem là tồn tại ở dạng sống, vì khoa học coi virút là những sinh vật có thể lây lan và nhân lên. Tuy nhiên, sau thập niên 30 thế kỷ trước, nhóm chuyên gia Đại học Rockefeller, Mỹ, đã nghiên cứu phát hiện thấy những gì đang diễn ra bên trong một virút lại không có bất kỳ chức năng trao đổi chất nào nên được xếp vào dạng không còn sống.
Điều này chưa thỏa đáng vì sau đó nhóm đề tài lại tiếp tục nghiên cứu, phát hiện thấy virút có các thành phần quan trọng, đặc biệt là khả năng sinh sản. Nó không chỉ phát triển nhiều về số lượng mà còn tạo ra nhiều protein và các cấu trúc hóa học bên trong. Virút còn được biết đến là tổ chức vi sinh liên tục tiến hóa, tăng trưởng theo thời gian, tiếp tục quá trình khắc phục sự cố để hoàn thiện. Tất cả những điều này đều cho thấy virút đang sống, trừ các sinh vật không có khả năng tiến hóa.
Và một sự thật khác virút không thể thực hiện các quá trình bên ngoài một vật chủ sống, điều đó cho thấy virút vẫn đang hoạt động trên một cái gì đó để tồn tại hay duy trì dạng sống ký gửi, nhưng để tìm ra câu trả lời, khoa học vẫn chưa tìm thấy “điểm gỡ” cho vấn đề này.
3. Tại sao con người lại “già không đều”?
Mỗi ngày chúng ta phải đối phó với nhiều vấn đề liên quan đến tuổi già, tuy chậm nhưng chúng vẫn diễn ra thầm lặng, song con người lại không hiểu điều gì đã xảy ra với các tế bào khi có tuổi, như tổn hao cơ bắp, mô co cứng, và các tế bào mới trở nên ít hoạt hóa, hiệu quả trong việc hấp thụ dinh dưỡng cũng như thải độc, tất cả những điều này đều diễn ra với tần suất, tốc độ biến thiên. Có nhiều giả thiết, cho rằng quá trình lão hóa là một sản phẩm phụ của các chất thải trong cơ thể, hay do các yếu tố ngoại lai tác động như tia cực tím, ô nhiễm môi trường hay do ăn uống. Cũng có giả thiết cho rằng cơ thể con người được lập trình mang tính di truyền, quá trình này diễn ra nhanh chậm không liên quan đến các yếu tố bên ngoài. Đặc biệt, có cả ý kiến cho rằng sự lão hóa có tốc độ khác nhau, không đồng nhất. Nhìn vào cơ chế methyl hóa của tế bào mới thấy quá trình lão hóa mỗi lứa tuổi, tế bào lại có tốc độ già cỗi khác nhau. Ví dụ, ở phụ nữ, mô vú già hơn tới 3 tuổi so tuổi thực của con người, trong khi đó tế bào tim lại lão hóa chậm hơn, trẻ tới vài năm so với tuổi thực. Nhờ khoa học phát triển, hy vọng những gì liên quan đến lão hóa sớm muộn sẽ được con người giải mã.
4. Vì sao lại bị đau nửa đầu?
Chỉ có những người mắc chứng đau nửa đầu mới biết biết những gì họ đang phải chịu đựng và nó khởi phát ra sao. Đau nửa đầu là một dạng đặc biệt, không chỉ đau đớn mà nó còn gây những hiện tượng khó chịu như buồn nôn, nhạy cảm với các kích thích đau đớn, mắt mờ, thậm chí còn mất ý thức.
Đến nay rất nhiều bí ẩn liên quan đến căn bệnh này khoa học vẫn chưa hiểu hết, đặc biệt là nguyên nhân. Có người đau nhiều, người lại không. Một số người đau nửa đầu được kích hoạt bởi mọi thứ, từ thay đổi thời tiết, thay đổi ánh sáng mặt trời cho đến gắng sức hoặc có người lại do tiếp xúc với đồ ăn, thức uống, hoặc chất phụ gia có trong thực phẩm. Cũng có nhiều người rất nhạy cảm, nhưng khi tiếp xúc với các chất gây bệnh họ lại không bị đau đầu. Trong số những nguyên nhân chưa rõ, người ta tình nghi đến yếu tố di truyền, bởi đau nửa đầu có vẻ như tồn tại trong các gia đình. Cũng có giả thiết, người dễ bị đau nửa đầu thường có các bộ phận trong não nhạy cảm với các kích thích nhiều hơn so với những người khác. Nhưng đến nay, mặc dù đã có nhiều nghiên cứu song vẫn chưa có kết luận thuyết phục.
5. Dị ứng đến và đi ra sao?
Sống với dị ứng quả là ác mộng, từ việc ăn kem, ăn lạc, tiếp xúc thú cưng, động vật cho đến uống sữa hay dùng thuốc chữa bệnh. Tần suất, mức độ cũng khác nhau, có người dị ứng tự đến rồi tự đi, có người lại bị trầm trọng, ảnh hưởng đến chất lường cuộc sống. Hầu như bất kỳ loại dị ứng nào đều có thể biến mất, tái xuất hiện, và ở một số người triệu chứng giảm và không mất đi hoàn toàn. Dị ứng lạc (đậu phộng) được xem là dị ứng nan y nhất, khoảng 20% những người bị dị ứng đậu phộng là trẻ em, trên 80% bị dị ứng với sữa và kéo dài đến hết giai đoạn tuổi teen, riêng nhóm người bị dị ứng với trứng thường trầm trọng hơn. Xét nghiệm máu có thể cho biết bị dị ứng tồn tại lâu hay mau. Thực tế, trẻ em ngày nay bị dị ứng nhiều hơn so với những thế hệ trước, đáng tiếc căn bệnh này đến nay khoa học vẫn chưa hiểu cặn kẽ.
(Theo LC 2015/SK&ĐS)