- Trong bài phát biểu tại hội nghị Ngoại giao sáng nay, 23/8, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đưa ra 5 việc cần giải quyết để thúc đẩy ngoại giao giáo dục trong thời gian tới.

{keywords}

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ngành giáo dục đã xác định hội nhập quốc tế về giáo dục đào tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành được thể hiện qua 3 khía cạnh:

Đầu tiên là hội nhập quốc tế về đào tạo thông qua các hoạt động liên kết đào tạo, kiểm định chất lượng, công nhận văn bằng, tín chỉ... Theo ông Nhạ, thời gian tới ngành giáo dục sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo, không chỉ trong giáo dục đại học mà cả trong giáo dục phổ thông.

Về hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học, thông qua các đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu hợp tác giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu và các nhà khoa học của Việt Nam với các đối tác nước ngoài, ông Nhạ cho rằng đây là điểm còn hạn chế trong thời gian qua.

“Nếu làm tốt nhiệm vụ này thì sẽ tranh thủ được kinh nghiệm, công nghệ và khả năng sáng tạo của các nhà khoa học nước ngoài để giải quyết các bài toán thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng sẽ góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và chất lượng các hoạt động đào tạo của nước ta” – Bộ trưởng Nhạ nói.

Về hội nhập quốc tế thông qua các hoạt động trao đổi giảng viên, sinh viên, ông Nhạ cho biết đây là hoạt động truyền thống, phổ biến song chưa có một kế hoạch tổng thể để quản lý hiệu quả và có được nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với nhu cầu của đất nước.

Từ đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề xuất 5 công việc mà ngành giáo dục cần sự hỗ trợ, phối hợp của ngành ngoại giao để thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác, hội nhập quốc tế về giáo dục.

Một là, thường xuyên cung cấp thông tin cho Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhu cầu hợp tác của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu nước sở tại sau khi đã thẩm định kỹ năng lực và tiềm năng phát triển của đối tác.

Hai là, giới thiệu các mô hình, chương trình giáo dục tiên tiến trên thế giới, các kinh nghiệm hay trong cải cách giáo dục; giới thiệu các nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài có uy tín đến Việt Nam làm việc, đồng thời, vận động các nhà khoa học, giảng viên, lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam làm việc.

Ba là, đôn đốc cơ quan quản lý giáo dục cũng như các đối tác của nước sở tại thực hiện có hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác đã ký giữa Chính phủ hoặc các cơ sở giáo dục và đào tạo của Việt Nam với Chính phủ, các cơ sở giáo dục và đào tạo của nước ngoài.

Bốn là, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc tổ chức các sự kiện, hội thảo, diễn đàn quốc tế lớn về giáo dục và đào tạo.

Năm là, hỗ trợ công tác quản lý lưu học sinh và bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, nhất là những địa bàn không có cán bộ chuyên trách phụ trách hợp tác về giáo dục.

“Chúng tôi mong muốn Việt Nam quan hệ hợp tác ở đâu, giáo dục phải hiện diện ở đó. Chúng ta đã làm tốt ngoại giao về chính trị, tích cực triển khai ngoại giao về kinh tế, mong rằng thời gian tới sẽ thúc đẩy ngoại giao về giáo dục”.

  • Hà Phương