Vài năm trở lại đây, thị trường smartphone bị chiếm giữ bởi hai “đại gia” Apple và Samsung. Giống như một chiếc bánh “béo bở”, thị trường bị chia thành hai nửa và Apple, Samsung thi nhau giành lấy phần hơn. Mặc dù phép so sánh này chưa phản ánh toàn cảnh thị trường nhưng nó cho thấy sự thống trị của hai đại gia này trong cuộc đua tranh giành từng đồng lợi nhuận. Xét một cách khách quan, Apple có vẻ giành được lợi thế áp đảo hơn về lợi nhuận trong cuộc đua với Samsung. Và như để cộng hưởng cho lợi thế dành cho Apple, mới đây, Ben Bajarin, một nhà phân tích đã đưa ra những dự đoán không lấy gì làm khả quan dựa trên kết quả kinh doanh sụt giảm của Samsung. Theo Ben, chỉ trong vòng 5 năm tới, Samsung có thể sẽ phải rút lui khỏi mảng thiết bị nền tảng Android.

Lý do mà nhà phân tích này đưa ra là: Samsung không sở hữu một hệ điều hành riêng và chính điều này sẽ là con dao hai lưỡi có thể quay lại đâm ngược Samsung. Thật vậy, Android là một hệ điều hành mở và bất kỳ một nhà sản xuất nào cũng có thể dựa vào hệ điều hành này để cho ra đời một thiết bị có chất lượng tương đương nhưng giá thành rẻ hơn hẳn so với sản phẩm của Samsung. Hiểu rõ nguy cơ này, Samsung cũng có những động thái chủ động ngăn ngừa hậu quả và cho ra mắt hệ điều hành riêng với tên gọi Tizen OS vào đầu năm 2015. Thế nhưng cho đến hiện tại, kết quả thu về không được như mong đợi. Thậm chí, điều này còn tạo ra tâm lý cạnh tranh gay gắt hơn khi các nhà sản xuất giá rẻ như Huawei và Xiaomi tìm mọi cách để qua mặt Samsung. Trong khi đó, những nhà sản xuất chip như MediaTek và Rockchip may mắn trở thành “ngư ông đắc lợi”, được cung cấp bộ vi xử lý cho các nhà sản xuất điện thoại từ mọi phân khúc và mở rộng thị phần ra toàn cầu.

Từ biểu đồ có thể thấy Samsung vẫn giữ thế thượng phong, đứng đầu thị trường liên tục nhiều năm nhưng hiện đang phải đối mặt với nguy cơ bị các nhà sản xuất mới nổi ngang nhiên “cướp” mất thị phần.

Chính tâm lý tiêu dùng thay đổi đã tạo đà cho sự phát triển của những nhà sản xuất mới. Khách hàng hiện nay dễ dàng thỏa mãn hơn với các sản phẩm chất lượng “vừa đủ dùng”. Và theo quan điểm mới này, có rất nhiều sản phẩm trên thị trường chạy hệ điều hành Android đáp ứng được yêu cầu. Cũng từ đây, “ngôi vương” của Samsung bị lung lay và hãng khó lòng bảo toàn được lợi nhuận. Cộng thêm các khó khăn khác đang đè lên vai, đủ thấy Samsung đang gặp vấn đề không nhỏ trong việc nắm quyền kiểm soát các thiết bị nền tảng Android.

Rắc rối đầu tiên của Samsung phải kể tới là danh mục sản xuất của hãng bao gồm hàng chục các thiết bị khác nhau nhưng chỉ một vài sản phẩm có thể sử dụng chung bộ khung máy hay phụ kiện. Hệ quả tất yếu là chi phí sản xuất của Samsung bị “đội” lên cao rõ rệt. Thêm vào đó, mỗi một thiết bị lại cần tới một quy trình kiểm định và cập nhật riêng; điều này khiến Samsung luôn bị chậm trễ trong việc bổ sung những cập nhật mới nhất cho hệ điều hành, kéo theo các lỗ hổng về bảo mật an ninh cho thiết bị. Chưa hết, mỗi một thiết bị Android ra đời đều phải đi kèm theo bộ xếp driver (driver stack) và chứng nhận riêng về phần cứng bởi ngay cả các mẫu thiết bị có bề ngoài “na ná” nhau thì vẫn có những linh kiện khác nhau; và mỗi một linh kiện này lại cần đến driver cũng như phần mềm chuyên biệt khác nhau để vận hành trơn tru nhất có thể. Điều này lý giải cho những khó khăn mà Samsung gặp phải trong quá trình cạnh tranh: hãng luôn phải chịu áp lực giữa việc tạo nên các “siêu phẩm” đồng thời cố gắng bao phủ thị trường với hàng tá thiết bị mỗi năm, mặc dù sự khác biệt về phần cứng là gần như không đáng kể.

Sơ đồ Phân mảng Android: Mỗi một ô màu xanh là đại diện cho một thiết bị Samsung.

Khi điểm danh các sản phẩm mà Samsung đang sở hữu, khách hàng sẽ phải đếm “mỏi miệng” không dưới 18 dòng sản phẩm khác nhau: từ các sản phẩm cao cấp như Note 5, S6 Edge+ cho tới các sản phẩm “cổ xưa” như S4, S4 Zoom. Và vấn đề là các sản phẩm này không có mấy sự khác biệt! Nếu như không đề cập tới dung lượng bộ nhớ khác nhau thì các sản phẩm của Samsung đều được đánh giá là gần như đạt đến số điểm tuyệt đối; và người sử dụng khó có thể tìm thấy sự khác biệt rõ rệt giữa các dòng sản phẩm. Trong khi đó, Apple lại rất rõ ràng khi chỉ ra các khác biệt giữa các dòng iPhone để khách hàng tùy chọn:

Một lỗi nữa mà Samsung mắc phải đó là không thể tạo nên sự khác biệt trong cả phần mềm Android lẫn phần cứng. Giao diện người sử dụng TouchWiz trông khá thất vọng. Chiếc Galaxy S6 là sản phẩm sở hữu phần cứng tùy biến mang màu sắc của Samsung nhiều hơn bất cứ sản phẩm nào ra đời trước đó nhờ bước nhảy vọt lên quy trình 14nm, thế nhưng nó lại vẫn chay CPU lõi ARM. Trong khi đó, Apple đã bắt tay vào đầu tư vào kiến trúc CPU của riêng mình cách đây nhiều năm, kể khi mua lại PA Semi. Tới mãi gần đây Samsung mới bắt đầu cung cấp những CPU của riêng.

Samsung đương nhiên không phải là hãng bán lẻ phần cứng có phần mềm tệ nhất nhưng lỗi của hãng đó là bỏ ra quá nhiều thời gian đi theo Android. Trong những năm tháng kiếm lời từ Android, hãng này đã không hề tự xây dựng cho mình một phiên bản phần mềm tùy biến riêng. Giống như những hãng bán lẻ phần cứng khác, Samsung trói mình vào những công ty như Qualcomm, Imagination Technologies. Nếu Samsung muốn có được công nghệ GPU riêng và thể hiện được hiệu năng của mình trên những thiết bị Galaxy thì hãng cũng từng có dư tiền để làm điều này đó. Thế nhưng công ty này lại chọn cách dành tiền để tạo ra những phiên bản tối ưu hóa Samsung trên những ứng dụng di động nổi tiếng để “khoe” về phần cứng và phần mềm của hãng.

Sự nổi lên gần đây của chiếc điện thoại Android bảo mật BlackBerry Priv thể hiện rằng, khách hàng thực sự yêu thích những chiếc Android cao cấp nhưng chúng phải có những tính năng riêng, độc đáo. Chẳng rõ sự hứng thú này của khách hàng có đủ để tạo nên một thị trường bền vững hay không, nhưng ít nhất những thiết bị được xây dưng trên hệ điều hành Android vẫn còn khoản “tính năng độc đáo” để mà “bấu víu”. Nói một cách khác, Samsung chưa bị đẩy ra khỏi thị trường bởi Android vẫn là một hệ điều hành hấp dẫn sự cạnh tranh của nhiều đối thủ.

Samsung còn đưa ra nhiều chiến lược dài hạn sai lầm về giá và tính năng khiến hãng bị hạn chế khả năng quảng cáo về sự đặc sắc trong phần cứng. “Dội bom” thị trường đã bão hòa bằng hàng loạt những sản phẩm phần cứng không còn là một chiến lược hiệu quả nữa, đã đến lúc cần thay thế bằng một chiến lược mới.