Trước cơ hội và thách thức rất lớn đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, ông Lê Anh Tú, Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công thương đề xuất 5 nhóm giải pháp đề xuất để có thể làm:
+ Nhà nước tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp: Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho công nghiệp sản xuất ô tô bằng các chính sách hỗ trợ về thuế đối với các doanh nghiệp sản xuất có công nghệ cao, tỉ lệ nội địa hóa lớn. Cần có những chính sách khuyến khích phát triển công nghệ hỗ trợ để các doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất linh kiện, phụ tùng theo tiêu chuẩn quốc tế và ưu tiên đầu tư cho hệ thống hạ tầng giao thông để kết nối logistics đa phương thức như đường bộ, đường biển, cảng, dịch vụ cảng; Tỉ lệ nội địa hóa sẽ tỉ lệ thuận với hỗ trợ từ phía nhà nước, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư; Quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng xe ô tô của người dân thúc đẩy thị trường. Trên cơ sở đó có các biện pháp hợp lý bảo đảm sự phát triển minh bạch, lành mạnh của thị trường ô tô trong nước thông qua các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp chống gian lận thương mại, cân nhắc một số giải pháp khác để phát triển thị trường; rà soát các loại thuế, phí liên quan đến ô tô trên toàn chuỗi giá trị để điều chỉnh theo hướng thuận lợi hoá trong sản xuất, tiêu dung và xuất khẩu. Đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước trong vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Sản xuất ô tô tại Việt Nam |
+ Doanh nghiệp tiếp tục đầu tư bài bản, quy mô lớn: Thị trường ô tô Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, vì vậy hoàn toàn có điều kiện để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Thực tế cho thấy những hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới đạt được thành công như ngày nay đều có thị chỉ trường xuất khẩu rộng lớn. Không doanh nghiệp nào đầu tư vào sản xuất ô tô lại tập trung mỗi thị trường nội địa. Phải hướng tới xuất khẩu, tức là mở rộng thị trường, qua đó tăng sản lượng, tối đa hóa chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh. Với quốc gia 100 triệu dân, kinh tế phát triển, đời sống ngày càng nâng cao thì nhu cầu về ô tô ngày càng nhiều, đủ để đầu tư sản xuất với quy mô lớn. Bên cạnh đó, ưu đãi thuế quan 0% với ô tô trong khu vực ASEAN là cơ hội lớn, phải tận dụng để xuất khẩu.
+ Hợp tác, liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp để cùng hướng đến những thị trường lớn hơn: Các nhà cung cấp Việt Nam hiện nay đa số vẫn đang tập trung theo các mục tiêu ngắn hạn, tức là tập trung đáp ứng các hợp đồng ngắn hạn, ít chú trọng vào việc tạo lập và xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài gắn liền với việc trao đổi thông tin thường xuyên với các nhà lắp ráp ô tô. Các dịch vụ chăm sóc khách hàng, hậu mãi, xử lý hàng lỗi cũng cần nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà cung cấp Việt Nam. Điều này làm tăng đáng kể sức hấp dẫn của các nhà cung cấp phụ tùng Việt Nam so với các thương hiệu quốc tế. Sàng lọc các doanh nghiệp sản xuất tiềm năng về phụ tùng, linh kiện để kết nối với nhà sản xuất, lắp ráp ô tô, tổ chức các buổi làm việc và thăm thực tế nhà cung cấp nội địa; tìm kiếm hỗ trợ nhà cung cấp tiềm năng cấp 2 và cấp 3; hỗ trợ đào tạo... hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn. Công nghiệp ôtô là ngành có sự tác động lớn đối với những ngành khác. Không chỉ sản xuất những chi tiết, bộ phận ôtô mà đằng sau đó là cả một ngành công nghiệp vật liệu, cơ khí…
Sản xuất ô tô tại Việt Nam |
+ Phát triển trung tâm nghiên cứu, kiểm thử hiện đại: Để nâng cao năng lực thiết kế, phát triển nhanh và đa dạng sản phẩm, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng hoạt động R&D, đầu tư phần mềm thiết kế và các thiết bị thử nghiệm hiện đại. Hệ thống quản trị sản xuất xây dựng trên nền tảng số hóa; áp dụng phần mềm quản trị thông minh và hoạch định nguyên vật liệu, phần mềm quản lý bảo trì, bảo dưỡng máy móc thiết bị. Xây dựng đội ngũ kỹ sư R&D chuyên nghiệp, được đào tạo bởi các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong ngành sản xuất linh kiện ôtô. Liên kết giữa nhà sản xuất, trung tâm nghiên cứu, các trung tâm thí nghiệm cần được “phân vai” và gắn kết chặt chẽ. Tính kinh tế theo quy mô được phản ánh ở các hãng sản xuất tô tô và linh kiện trên thế giới. Theo thống kê từ 27 hãng sản xuất xe hơi và 36 nhà cung cấp hàng đầu, biên lợi nhuận của những doanh nghiệp quy mô lớn hơn thường cao hơn do doanh số đủ lớn để bù đắp chi phí R&D, chi phí đầu tư ban đầu.
+ Tập trung phát triển xuất khẩu theo từng thị trường riêng biệt: Nghiên cứu đặc điểm các thị trường có tiềm năng, xây dựng các dự án xuất khẩu khả thi, tập trung phát triển sản phẩm xuất khẩu theo yêu cầu riêng biệt tại từng thị trường... Đồng thời khuyến khích gia tăng tỉ lệ nội địa hóa nhằm đáp ứng tiêu chí hàm lượng khu vực (Regional Value Content – RVC: Hàm lượng Giá trị Khu vực là một ngưỡng mà hàng hóa phải đạt được đủ để coi là có xuất xứ) để hưởng thuế suất 0% theo Hiệp định ATIGA trong khu vực ASEAN.
Vì vậy, khi cơ hội mới mở ra, ngành công nghiệp ô tô trong nước có thể xuất khẩu linh kiện giá trị gia tăng cao, xe ô tô nguyên chiếc mang thương hiệu Viêt ra thế giới rất cần các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nũa từ phía nhà nước, nỗ lực đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa hơn nữa từ phía doanh nghiệp, có như vậy mới hưởng được thuế suất ưu đãi và có thể cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu./.
Lê Anh Tú