Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai hiệu quả kết quả của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Hội thảo văn hóa năm 2022, Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cho rằng tại tổ chức UNESCO, Việt Nam cần chủ động, tích cực và sáng tạo tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ sau:
Một là, đẩy mạnh tham mưu, đề xuất chính sách, tận dụng những ý tưởng, sáng kiến của UNESCO hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia, góp phần phát triển bền vững đất nước. Theo đó, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các sáng kiến toàn cầu của UNESCO về chuyển đổi giáo dục, văn hóa gắn với phát triển bền vững, đạo đức trong trí tuệ nhân đạo, khoa học mở, quản lý bền vững tài nguyên nước và đại dương trong bối cảnh biến đổi khí hậu... để bắt kịp các xu thế hợp tác mới toàn cầu, hoàn thiện các khung pháp lý và nâng cao năng lực thể chế, con người. Đồng thời, cũng cần chủ động giới thiệu chính sách, chia sẻ kinh nghiệm hay, điển hình tốt của Việt Nam, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nước đang phát triển trong các lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục mà ta có lợi thế.
Hai là, tiếp tục đưa quan hệ đối tác Việt Nam-UNESCO đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, các Tiểu ban chuyên môn, Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO và các cơ quan liên quan cần phát huy vai trò nòng cốt trong thúc đẩy triển khai hiệu quả kết quả các chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ (11/2021) và của Tổng Giám đốc UNESCO (9/2022), bám sát Kế hoạch hành động triển khai Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam-UNESCO giai đoạn 2021-2025 phù hợp với Chiến lược trung hạn của UNESCO và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam...
Ba là, góp phần vào việc tham gia xây dựng, vận động, bảo vệ các hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh, thiết thực tạo thêm nguồn lực, thúc đẩy mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững ở các địa phương. Việt Nam tiếp tục thúc đẩy các hồ sơ di sản, danh hiệu đã nộp và đang chờ UNESCO xem xét, phê duyệt như hồ sơ di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, di sản tư liệu thế giới đối với hồ sơ của Nghệ sỹ Hoàng Vân và Cửu Đỉnh Huế, di sản phi vật thể đại diện của nhân loại với ”Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, vận động UNESCO cùng tham gia kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác vào năm 2024; tiếp tục xây dựng hồ sơ di sản văn hóa Quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử, Khu di tích Óc Eo-Ba Thê, Công viên địa chất Lạng Sơn...
Bốn là, tiên phong trong quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới. Đến nay, Việt Nam đã có 57 di sản, danh hiệu UNESCO, đứng đầu các nước Đông Nam Á về số di sản được UNESCO ghi danh, tất cả 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam đều sở hữu hoặc đồng sở hữu ít nhất một danh hiệu UNESCO. Các danh hiệu ở tầm cỡ quốc tế mà UNESCO dành cho Việt Nam là cách thức hữu hiệu bạn bè quốc tế hiểu hơn về một Việt Nam phát triển năng động, mô hình thành công của đổi mới, mở cửa và hội nhập, nhưng vẫn giàu truyền thống, đậm đà bản sắc.
Năm nay dự kiến Việt Nam sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đón Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới thăm Việt Nam nhằm tranh thủ tri thức, sáng kiến, nguồn lực của UNESCO cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nâng cao đời sống người dân, hỗ trợ nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội, du lịch bền vững sau đại dịch; đồng thời quảng bá đất nước, con người Việt Nam.
Năm là, nâng cao vị thế và uy tín đất nước thông qua nâng tầm đóng góp vào quan tâm chung, tăng cường đảm nhận trọng trách quốc tế, vai trò điều hành tại các cơ chế của UNESCO như thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO, Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và thúc đẩy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003. Việt Nam cũng tiếp tục vận động ứng cử vào Ủy ban di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 để đóng góp vào công việc chung của UNESCO.
Đỗ Khanh, Ngân Phương, Trần Khánh