Tại sao chúng ta cứ canh cánh mơ ước ô tô? Vì đó là đỉnh cao của ngành công nghiệp nặng; của trí tuệ; của đẳng cấp quốc gia…

Mấy hôm nay, tôi cứ chộn rộn khi nghe tin Tập đoàn Vingroup công bố đã ký hợp đồng trị giá 5 triệu USD với nhà thiết kế hàng đầu thế giới để sản xuất hai xe mẫu thuộc phân khúc Sedan và SUV. Quan trọng hơn cả là Vingroup đã mua bản quyền sở hữu trí tuệ từ BMW để sản xuất những bộ phận quan trọng nhất của xe. Có lúc tôi như muốn reo lên, dù biết ở tuổi thất thập tôi không nên làm thế.

Toàn bộ 38 năm làm việc của tôi gắn bó với ngành giao thông. Tôi may mắn được chứng kiến các dấu mốc đầy tự hào của lịch sử ngành sản xuất phương tiện vận tải. Năm 1956, lần đầu tiên chúng ta sản xuất được xe đạp hoàn chỉnh, đó là chiếc xe đạp Thống Nhất (dù vẫn phải nhập khẩu một số linh kiện, phụ tùng).Cuối cùng thì nút thắt về xe ô tô thương hiệu Việt đã được mở. 

Không chỉ ngành giao thông mà cả miền Bắc xã hội chủ nghĩa tự hào và không phải vô cớ mà chiếc xe ấy, nhà máy ấy được mang tên Thống Nhất. Năm 1958, Nhà máy ô tô Chiến Thắng (Hà Nội) sản xuất thành công chiếc xe 4 chỗ mang tên “Chiến Thắng”, chiếc xe ô tô đầu tiên do Việt Nam sản xuất.

Dù động cơ và phần lớn linh kiện nhập khẩu (nội địa hóa chỉ được khoảng 25 - 30%), nhiều chi tiết phải giập thủ công, xe còn thô ráp, máy kêu to nhưng khỏi nói thế hệ chúng tôi đã tự hào như thế nào khi chứng kiến chiếc ô tô “Chiến Thắng” lăn bánh trên phố Tràng Tiền, Hà Nội.

{keywords}
Xe Chiến Thắng - Chiếc xe ô tô đầu tiên do Việt Nam sản xuất

Vì điều kiện chiến tranh nên loại xe này không được ưu tiên sản xuất, hoàn thiện nhưng kể từ đó, ước mơ về chiếc ô tô Việt thôi thúc bao thế hệ. Sau đó là những dấu ấn đầy tự hào nữa: năm 1964 chúng ta chế tạo được đầu máy tàu hỏa mang tên Nguyễn Văn Trỗi (sau này là các đầu máy mang tên Tự lực); năm 1967, nhà máy đóng tàu Phà Rừng (Hải Phòng) đóng được tàu thủy 1.000 tấn; năm 1998, tàu chở dầu 3.500 tấn lần đầu tiên được chế tạo tại Việt Nam…      

Năm 1986, khi Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới thì ở châu Âu, ô tô đã ùn ùn trên đường phố. Hồi đó, mặc dù ở nước ta và các nước XHCN sử dụng phương tiện công cộng như tàu điện, metro, xe buýt… là chính nhưng chúng ta cũng đã phát hiện ra rằng ô tô cá nhân chính là phương tiện tiện nghi nhất, thuận tiện nhất và văn minh nhất.

Ước mơ và những kế hoạch sản xuất ô tô lại được nhắc tới. Những năm 2000 trở lại đây, nhiều chính sách ưu đãi đã được ban hành với mong muốn ra đời xe ô tô thương hiệu Việt có tỷ lệ nội địa hóa cao và đặc biệt là phải chủ động sản xuất được động cơ. Thế nhưng nhiều lúc tôi muốn quên đi ước mơ này vì ngay đến chiếc xe máy hoàn chỉnh chúng ta cũng vẫn chưa làm được thì nói gì đến sản xuất ô tô.

Trớ trêu là trong nhiều năm, tôi và không ít người lại được nhen lên khi mình mời các hãng ô tô nước ngoài đến, ưu đãi cho họ, hy vọng họ sẽ nâng tỷ lệ nội địa hóa, sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất động cơ ô tô cho chúng ta, giúp ta tự chủ sản xuất ô tô. Nhưng cuối cùng, ta vẫn chỉ đi làm thuê, lắp ráp cho họ…

Thực ra, năm 2012, 2013, tôi cũng đã nhen lên hy vọng khi ông Bùi Ngọc Huyên dồn lực sản xuất ô tô Made in Việt Nam có tên Vinaxuki VG… Nhưng rồi kết cục thì ai cũng đã biết.

Tại sao chúng tôi cứ canh cánh mơ ước ô tô? Vì đó là đỉnh cao của ngành công nghiệp nặng; của trí tuệ; của đẳng cấp quốc gia. Và với chúng tôi, những người đi ra từ chiến tranh gian khó, đó còn là ước mơ của những kỹ sư, thợ máy đã nằm xuống; của sự tự chủ, tự khẳng định; của lòng tự tôn dân tộc. Mỗi chiếc ô tô cần từ 30.000 đến 50.000 linh kiện, phụ tùng, tất cả đều cần vô cùng chính xác, bền bỉ, mượt mà và văn minh… 

Từ lúc khởi công dự án sản xuất ô tô Vinfast đến nay mới 140 ngày (gần 5 tháng) nhưng chúng ta đã thu hút được các nhân sự giỏi ở trong và ngoài nước; đã có concept thượng hạng do hãng thiết kế Ý chắp bút; đã có bản quyền sản xuất những bộ phận quan trọng nhất của BMW danh tiếng; đã có các hãng hàng đầu thế giới hợp tác, tham gia chuỗi giá trị do nhà tỷ phú Phạm Nhật Vượng tạo nên.

{keywords}
Mẫu thiết kế phác thảo sẽ được Vinfast phát triển thành xe mẫu ra mắt vào tháng 10/2018

Thân phận doanh nghiệp Việt đang thay đổi. Trong dự án này, chúng ta sẽ không phải đi làm thuê nữa, không phải thanh minh “đến con ốc vít cũng không làm nổi” khi xin được tham gia chuỗi giá trị của họ. Giờ chúng ta là người thiết kế, tổ chức, cầm trịch cuộc chơi.

Và, nếu không có gì thay đổi, 330 ngày nữa tôi sẽ được tận mắt chứng kiến 2 xe mẫu thương hiệu Việt; thêm 270 ngày nữa được chứng kiến sự kiện nổi bật của lịch sử sản xuất phương tiện vận tải Việt Nam khi xe thương phẩm đến tay người tiêu dùng.

Sẽ còn muôn vàn khó khăn đang chờ ông Phạm Nhật Vượng phải đương đầu, vượt qua để những chiếc xe hơi Việt có đẳng cấp quốc tế ấy ra mắt và chinh phục khách hàng ở trong và ngoài nước. Nhưng tôi nghĩ chúng ta đã mòn mỏi, cay đắng đủ nhiều rồi. Và, với những gì ông Phạm Nhật Vượng đã làm, đã vượt qua, tôi tin đến 95% là ông sẽ thành công. Tôi sẽ được tự hào vì sau gần 20.000 ngày của hơn nửa thế kỷ mong chờ, cuối cùng thì ô tô thương hiệu Việt sẽ được hiện hữu, không phải mơ ước nữa...

TS. Nguyễn Xuân Thủy

(Nguyên Giám đốc - Tổng biên tập NXB Giao thông Vận tải)