Dạy học, nói một cách đúng nghĩa nhất chính là sự qua lại của những ý tưởng trong thế giới tâm trí giữa người này với người khác. Chân dung 1 giáo viên giỏi là như thế nào?

Không bao giờ dựa vào một cái cớ nào để đổ lỗi cho người khác vì người đó chưa biết

Điều này không hề dễ dàng vì nhiều giáo viên lại hiểu nhầm rằng người học đang cố tình không tự nhìn nhận vấn đề mà trông chờ, dựa dẫm vào sự hướng dẫn của giáo viên, mặc dù đã được hướng dẫn trước đó. Suy nghĩ này sẽ mở đầu cho một chuỗi những ngày học tập không hiệu quả của người học.

Một giáo viên tốt, trong trường hợp này, sẽ là một người đi tìm một hướng khác để giúp đỡ người học tiếp nhận kiến thức dễ dàng hơn. Dạy tốt sẽ bắt đầu bằng việc hiểu rõ sự thiếu hiểu biết không phải là khuyết điểm cá nhân của bất kỳ một người học nào mà nói một cách chính xác, người dạy cần xem lại cách truyền đạt của mình. 

Không bao giờ nổi giận 

Yếu tố thứ hai này nhắc chúng ta đến một trạng thái mà chúng ta hay trải qua trong chính đời sống thường ngày: Chúng ta càng muốn chỉ cho ai đó biết một cái gì đó thì chúng ta càng dễ mất bình tĩnh, tâm trí xao động khiến những cảm xúc tiêu cực bộc phát tự nhiên. 

Người được truyền đạt cảm nhận được phản ứng của chúng ta, trở nên sợ hãi và thế là chẳng có sự truyền đạt nào xảy ra. Khi dạy học, nổi cáu làm mồi cho những lời nói gây sát thương cho học sinh mà giáo viên chẳng hề kịp gói lại trước khi nó rơi hết ra ngoài.

Những lúc ấy học sinh còn học được gì nữa? Chúng chỉ quan tâm mình nhặt được bao nhiêu lời nói đau lòng mà giáo viên vừa đổ ra đó. Vì thế, một giáo viên tốt, ngay từ đầu cần hiểu việc nắm bắt được kiến thức ngay và luôn không dễ dàng gì với học sinh. 

Giáo viên không cần phải "biết tuốt".

Không phải giáo viên biết tất cả

Thật dễ tưởng tượng cảnh một giáo viên có thể bị “khớp” ngay tại chỗ nếu giáo viên không đủ kiến thức để giải quyết câu hỏi của học sinh ngay lập tức, nhất là nếu học sinh đó có tiếng là học tốt. 

Cảm giác ấy thật chẳng dễ chịu chút nào, nhất là khi lòng tự ái nổi lên sẽ dẫn tới quy kết rằng học sinh chắc hẳn nghĩ mình kém lắm. Tuy nhiên, đó không phải là phẩm chất của một giáo viên tốt.

Một giáo viên tốt họ dám thừa nhận sự hạn chế trong vốn liếng kiến thức của mình, và quan trọng hơn nữa, họ có thái độ và tư tưởng cởi mở tiếp nhận, bổ sung những kiến thức mà họ đang còn thiếu. 

Tư chất khiêm tốn và thiện chí này khiến cho khoảng cách giữa giáo viên và học sinh được thu hẹp. Và chính các em đang học hỏi một cách vô hình những đức tính tốt đẹp cần được dạy ấy. Hơn nữa, điều này cũng không hề làm giảm uy thế của người giáo viên trong mắt học sinh. 

Luôn biết lúc nào là thời điểm thích hợp 

Một người giáo viên không được “tốt” sẽ luôn cố gắng giải quyết vấn đề ngay lúc nó xuất hiện. Nhưng thực tế là điều này không tốt như họ vẫn tưởng bởi làm sao mà chúng ta còn có thể giải quyết được những thứ phức tạp, thậm chí là gây tranh cãi khi mà tâm trí của cả thầy và trò bắt đầu khó chịu và sắp rối như mớ bòng bong. 

Ở điểm này, một người giáo viên tốt sẽ biết kiềm chế sự hoang mang và kiên nhẫn chờ đợi thêm, có thể là tới dăm ba hôm nữa, và lựa chọn thời cơ thích hợp để xử lý những vấn đề đó.

Giáo viên nên tự tin rằng không xào xáo một vấn đề luôn và ngay sẽ cho phép họ khắc phục nó một cách chính xác.  

Đương nhiên cũng là một học sinh tốt

Người giáo viên tốt hiểu tầm quan trọng của việc mình cần liên tục trau dồi kiến thức. Ai cũng cần học, kể cả khi ta đã là thầy. Có một nhu cầu tự nhiên trong mỗi con người rằng ai cũng muốn chỉ cái này chỉ cái khác cho mọi người, nên đôi khi, ở vị trí người thầy, chúng ta dễ trở nên khó chịu khi một người lại đi dạy một người đã làm thầy. Nhưng học tốt và dạy tốt cần đi đôi với nhau và học hỏi cần được coi là món quà quý giá mà người thầy nên trân trọng. 

  Thúy Tạ (theo The book of life)

Trong giáo dục có 1 mệnh đề «Muốn có học trò giỏi thì cần có giáo viên giỏi». 

Nhưng định nghĩa thế nào là một giáo viên giỏi thì mỗi thời sẽ có những chuẩn khác nhau làm thước đo đánh giá. 

Nếu như với giáo dục truyền thống, người thầy giữ vị trí trung tâm, là chân lý thì theo quan điểm giáo dục hiện đại, người thầy đóng vai trò là một mentor – người định hướng, người truyền cảm hứng. 

Trong thời đại 4.0, khi tất cả kiến thức đều dễ dàng tìm thấy, tiếp cận chỉ qua đôi ba dòng lệnh, vai trò của người thầy cũng có những thay đổi rất đáng kể. Việc đánh giá, nhìn nhận thế nào là một giáo viên giỏi cũng do đó mà thay đổi theo. 

Để cùng trao đổi, thảo luận và nhìn nhận lại việc đánh giá một nhà giáo trong xã hội hiện đại, đặc biệt trong bối cảnh 4.0 có thay đổi gì so với thời đại trước, Ban Giáo dục báo điện tử VietnamNet mở diễn đàn: "Thế nào là một giáo viên giỏi?".

Ban đọc quan tâm xin gửi ý kiến về địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn.

Xin cảm ơn!