Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng chúng ta cần đào tạo những sinh viên thông minh nhất trở thành giáo viên. Tuy nhiên, các trường đại học Phần Lan chỉ chọn 10% thí sinh đăng ký ngành sư phạm và họ không phải là những người thông minh nhất.

Khi đứa cháu gái tôi học xong phổ thông ở Phần Lan, hơn bất cứ ngành nghề nào khác con bé muốn trở thành một giáo viên tiểu học. Mặc dù rất thích làm nghề giáo nhưng con bé lại không đỗ vào ngành sư phạm của ĐH Helsinki. Con bé rất thông minh, thành tích học tập tốt nhưng có vẻ như vẫn chưa đủ điều kiện.

{keywords}

Một lớp học ở Phần Lan

Điều đó không có gì là bất thường. Các trường đại học Phần Lan thường ngoảnh mặt với những ứng viên như cháu gái tôi để chúng cố gắng hơn nữa hoặc đi học thêm một cái gì đó. Thực tế là các ngành sư phạm tiểu học ở Phần Lan hấp dẫn người trẻ nước này đến mức chỉ 1/10 ứng viên được chọn mỗi năm. Những sinh viên may mắn này sẽ phải học từ 5-6 năm trước khi có thể đứng lớp một mình.

Có những người cho rằng cuộc đua khắc nghiệt để trở thành giáo viên ở Phần Lan chính là chìa khóa giúp họ có nền giáo dục tốt và do đó cải thiện thành tích của học sinh. Điều này dẫn đến việc nhiều chính phủ và cơ quan giáo dục liên tục nghĩ ra những cách thức mới để chọn được học sinh giỏi nhất, thông minh nhất cho ngành giáo dục. Những sáng kiến nhằm thu hút người tài cho nghề giáo mọc lên như nấm. Người giỏi hơn sẽ trở thành giáo viên giỏi hơn – liệu có phải như vậy?

Chính xác thì ai là những người vượt qua cháu gái tôi để được chọn trở thành giáo viên tiểu học ở Phần Lan? Chúng ta hãy cùng nhau xem xét kỹ lưỡng hơn học bạ của những sinh viên năm nhất được chọn vào ĐH Helsinki.

Kỳ thi đầu vào có 2 giai đoạn. Tất cả thí sinh trên cả nước đều phải tham gia bài thi viết. Những người làm bài tốt nhất ở kỳ thi này sẽ được mời sang giai đoạn thứ hai là tham gia bài kiểm tra năng khiếu đặc biệt của trường. Ở ĐH Helsinki, 60% trong số 120 sinh viên đỗ là dựa vào cả điểm số trong kỳ thi đầu vào và cả điểm số các môn học ở trường. 40% còn lại được chọn chỉ dựa vào điểm số ở kỳ thi đầu vào.

Mùa xuân năm trước, 1.650 thí sinh tham dự kỳ thi viết quốc gia để cạnh tranh 120 suất vào ĐH Helsinki. Để có bằng tốt nghiệp phổ thông, các ứng viên nhận được điểm số từ 1 tới 100 cho các môn học. 1/4 sinh viên được nhận tới từ nhóm 20% có điểm số cao nhất và 1/4 khác tới từ nửa dưới (50 điểm trở xuống).

Điều này có nghĩa là một nửa sinh viên năm nhất tới từ nhóm đạt 51-80 điểm. Chúng ta có thể gọi nhóm này là những học sinh trung bình. Vì thế, ý kiến cho rằng Phần Lan chọn những học sinh giỏi nhất và thông minh nhất để đào tạo thành giáo viên là sai lầm. Sự thật là nhóm sinh viên được chọn đại diện cho đủ các mức về thành tích học tập.

{keywords}

Giáo dục Phần Lan muốn tuyển những sinh viên có đam mê với nghề giáo, hơn là những sinh viên giỏi

Muốn đổi mới thì phải thừa nhận rằng những học sinh giỏi nhất chưa chắc đã trở thành những giáo viên tốt nhất.

Nếu như các nhà giáo dục Phần Lan cho rằng chất lượng giáo viên tương quan với khả năng học tập thì họ sẽ nhận cháu gái tôi và nhiều ứng viên khác có thành tích học tập vượt trội. ĐH Helsinki có thể dễ dàng chọn được những sinh viên giỏi nhất và thông minh nhất trong vô vàn ứng viên nộp đơn mỗi năm và họ sẽ có được những giáo viên tương lai có thành tích học tập đáng ngưỡng mộ.

Thế nhưng, họ không làm thế bởi vì họ biết rằng khả năng giảng dạy được ẩn giấu ở các nhóm học sinh khác nhau. Ví dụ như những vận động viên, những nhạc sĩ và lãnh đạo trẻ tuổi thường có những đặc điểm nổi bật của một giáo viên giỏi mà không cần tới thành tích học tập tốt nhất. Điều mà chúng ta học được ở Phần Lan là thay vì chọn những người giỏi nhất và thông minh nhất cho ngành sư phạm thì tốt hơn là nên thiết kế chương trình đào tạo ngay từ đầu để có được những giáo viên tốt nhất từ những người trẻ có đam mê với nghề giáo.

Ngành sư phạm đang trở thành mối quan tâm “nóng sốt” của các nhà cải cách giáo dục trên toàn thế giới. Ở Anh, các nhà hoạch định chính sách cho rằng muốn cải thiện ngành giáo dục thì phải chọn được những sinh viên giỏi học sư phạm. Các tổ chức quốc tế như OECD và McKinsey & Company, nhà giáo dục Michael Barber của Pearson, và ở Mỹ có Joel Klein – cựu giám đốc Cơ quan giáo dục New York hiện đang làm việc cho News Corporation của tỷ phú Rupert Murdoch – đều khẳng định rằng chất lượng giáo dục không thể vượt quá chất lượng giáo viên. Quan điểm này là sai lầm và những cải cách, chính sách giáo dục nên đánh giá dựa trên bằng chứng cụ thể.

Một hệ thống giáo dục thành công là một hệ thống quan tâm nhiều hơn tới việc tìm ra đúng người muốn làm công việc này cả đời. Và điều gì đã xảy ra với cháu gái tôi? Con bé nộp đơn thêm một lần nữa và đã được nhận. Con bé mới tốt nghiệp và sẽ trở thành giáo viên giống như các bạn cùng lớp đại học.

Bài viết của tác giả Pasi Sahlberg - giáo sư thỉnh giảng tại ĐH Harvard và là tác giả cuốn “Những bài học của người  Phần Lan 2.0: Thế giới có thể học được điều gì từ sự đổi mới giáo dục ở Phần Lan?”. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Nguyễn Thảo (theo Guardian)