Sự phát triển nhanh chóng của các công ty như ZTE cũng đồng nghĩa với việc, thị trường sẽ có tính cạnh tranh cao hơn, các khách hàng doanh nghiệp, người dùng phổ thông được hưởng lợi. Giá thành thiết bị rẻ đi, các đối thủ phải nỗ lực bám đuổi... Thế nhưng, ZTE luôn là công ty bị chính phủ các nước, đặc biệt là chính phủ Mỹ dè chừng. Mỹ xem đây là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia, khi mà phần mềm và phần cứng mà công ty này sản xuất có thể giúp chính phủ Trung Quốc dễ dàng thực hiện các hoạt động gián điệp.

Từ những năm 2012, công ty này đã bị nghi ngờ cạnh tranh không lành mạnh, nhận trợ cấp của chính phủ Trung Quốc để bán các thiết bị với giá thành thấp hơn rất nhiều so với đối thủ. ZTE được cho là chịu ảnh hưởng từ chính phủ và trở thành một nguy cơ an ninh đối với người Mỹ. Cảnh báo này không phải vô tình được đưa ra, mà là kết quả của một cuộc điều tra kéo dài 11 tháng của Ủy ban tình báo hạ viện đối với ZTE. Theo nghị sĩ Mỹ Mike Rogers, các công ty đã sử dụng thiết bị mạng của công ty Trung Quốc đã nhiều lần cáo buộc thiết bị có những hoạt động bất thường, như việc router gửi đi các gói dữ liệu lớn về Trung Quốc vào ban đêm. 

Trong bản báo cáo về cuộc điều tra, Hạ viện Mỹ kêu gọi "tẩy chay" công ty sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc, đồng thời liệt kê danh sách 5 việc "phải làm" để ngăn chặn các nguy cơ an ninh. Trong danh sách này, Hạ viện khuyến nghị chính phủ giám sát sâu hơn nữa các vụ mua bán giữa các công ty công nghệ trong khu vực kinh tế tư nhân, kêu gọi các công ty Mỹ nên tìm một đối tác khác, đồng thời nêu rõ những thiệt hại tiềm tàng một khi các cơ sở hạ tầng quan trọng như nguồn cung điện, ngân hàng, nước, và các hệ thống khác bị phá hoại. 

"Các cơ sở hạ tầng thiết yếu có tính kết nối rất lớn, mọi thứ từ lưới điện đến hệ thống ngân hàng và tài chính, hay khí gas, dầu, hệ thống nước cho đến các kênh đường sắt và vận chuyển, tất cả đều phụ thuộc vào hệ thống điều khiển bằng máy tính. Nếu xảy ra gián đoạn hay hỏng hóc nào đó, thiệt hại sẽ là rất lớn và ảnh hưởng đến mọi mặt đến cuộc sống người dân" - Ủy ban tình báo hạ viện viết trong báo cáo. 

Trong số các khuyến nghị đưa ra, hạ viện Mỹ gợi ý rằng, các nhà mạng nước này nên tìm kiếm một đối tác khác để cung cấp cơ sở hạ tầng, bởi thiết bị của một số công ty có nguy cơ cho phép chính phủ Trung Quốc "rình mò" vào các xương sống viễn thông. Hạ viện cũng cho rằng nên cân nhắc đưa ra luật yêu cầu các công ty có liên hệ với chính phủ, hoặc các công ty "không minh bạch", không được phép xây dựng những hạ tầng cơ bản. Ủy ban tình báo hạ viện Mỹ đề nghị Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ, cơ quan vốn có chức năng đánh giá các rủi ro an ninh quốc gia từ đầu tư nước ngoài, cấm tất cả các giao dịch thương mại của ZTE. Các nhà thầu chính phủ hay các công ty kinh tế tư nhân, cũng được khuyên nên tìm kiếm một đối tác khác để cung cấp thiết bị mạng. 

"Bất kỳ lỗi hay cửa hậu nào khi được 'cấy' vào các hệ thống quan trọng của chúng ta có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng với hiệu ứng domino. Như trong báo cáo đã nói, chúng tôi có những quan ngại sâu sắc về ZTE và sự kết nối giữa họ với chính phủ Trung Quốc. Trung Quốc được biết đến là thủ phạm chính của các hoạt động gián điệp qua Internet, và ZTE cũng như các công ty sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc trong quá trình diễn ra cuộc điều tra đã không chứng minh được họ không liên quan tới chính phủ" - Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban cảnh báo. 

Hạ viện Mỹ cũng nghi ngờ về tính hữu ích của các bài thử nghiệm đối với phần cứng và phần mềm của ZTE, đó là bởi nhà sản xuất có thể thêm thắt các chức năng bất kỳ lúc nào họ muốn. "Nếu lỗ hổng được cố tình tạo ra từ nội bộ, việc kiểm tra là hoàn toàn không có tác dụng".

5 khuyến nghị mà Hạ viện Mỹ đưa ra:

Các hệ thống và nhà thầu chính phủ Mỹ, đặc biệt là cơ quan phụ trách các hệ thống nhạy cảm, nên loại bỏ tất cả các thiết bị của ZTE. Thêm vào đó, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ phải cấm tất cả các vụ mua bán, sáp nhập liên quan đến ZTE để đảm bảo an ninh quốc gia. 

Chúng tôi khuyến khích các nhà cung cấp mạng tại Mỹ và các nhà phát triển hệ thống tìm kiếm các công ty khác làm đối tác cho dự án của mình.

Các Ủy ban có quyền lực pháp lý tại Mỹ, cơ quan thực thi pháp luật, nên điều tra hoạt động thương mại không lành mạnh của ngành viễn thông Trung Quốc. Cần đặc biệt chú ý để việc Trung Quốc liên tục hỗ trợ tài chính cho các công ty lớn. 

Các công ty Trung Quốc nên cởi mở và minh bạch hơn, phải chấp hành các quy định pháp lý của Mỹ.

Ủy ban có quyền lực pháp lý nên xem xét đưa ra luật yêu cầu các công ty viễn thông có quan hệ với chính phủ, không "minh bạch", sẽ không được phép xây dựng các hạ tầng cơ bản; đồng thời mở rộng vai trò cho Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ đối với các thỏa thuận mua bán.