Nhằm đẩy mạnh sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam, Ngày Mua sắm trực tuyến lần 2 sẽ được tổ chức vào 4/12/2015 với sự tham gia của khoảng 2.500 doanh nghiệp và doanh thu dự tính 25 triệu USD. Trước đó, năm 2014, lần đầu tiên tại Việt Nam, Ngày Mua sắm trực tuyến được tổ chức với 1.000 doanh nghiệp tham gia. TMĐT sẽ là hướng phát triển tất yếu trong thời đại công nghệ số hiện nay, vậy đâu sẽ là những xu hướng đáng chú ý của ngành này trong thời gian tới.

Thiết kế tùy biến (responsive design), xu hướng không thể bỏ qua

Theo thống kê, 66% thời gian sử dụng trên các trang TMĐT được thực hiện qua các thiết bị di động và 61% người dùng sẽ rời các trang này nếu giao diện của nó được thiết kế không thân thiện với thiết bị di động.

Thiết kế tùy biến chú trọng tới giao diện người dùng trên website làm sao để dễ đọc và tìm kiếm thông qua việc tự thay đổi kích thước, cuộn và trượt. Hiện mới có 9% các trang thương mại điện tử hàng đầu thế giới áp dụng thiết kế tùy biến. Lợi ích của thiết kế tùy biến bao gồm tăng lưu lượng truy cập trang, cải thiện mức độ hài lòng của người dùng và nâng cao tỉ lệ tương tác trên trang.

Xu hướng này cũng được ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc công ty MVV Digital chia sẻ. Theo ông Huy, Việt Nam hiện có 22 triệu người dùng smartphone và dự kiến  trong 5 năm tới số lượng người sử dụng thiết bị di động sẽ cao bằng người dùng Internet. Do đó, thay vì đầu tư tốn kém vào những ứng dụng (native app) trên di động có rất ít người tải xuống và sử dụng, doanh nghiệp có thể chỉ cần đầu tư vào các website có giao diện thân thiện, có phiên bản cho di động vừa với giao diện màn hình thiết bị di động, cung cấp trải nghiệm cho người dùng khi sử dụng màn hình có kích thước hạn chế này. Vì thế, nên đầu tư vào responsive web thay vì native app.

Công cụ thanh toán trực tuyến

Thống kê Ngày Mua sắm trực tuyến năm 2014 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, trong tổng số 160.000 giao dịch trị giá 7.5 triệu USD thì chỉ có 13% giá trị được thanh toán qua hình thức giao dịch điện tử và thanh toán giao dịch bằng tiền mặt qua phương thức COD chiếm tới 72%.

Điều này cho thấy người tiêu dùng chưa quen với các hình thức thanh toán trực tuyến hoặc vẫn lo ngại về tính an toàn của các cổng thanh toán trực tuyến. Vậy làm thế nào để đẩy mạnh khối lượng giao dịch thanh toán trực tuyến trong giao dịch TMĐT?

Theo ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám Đốc Công ty MVV Mobile, người đã có nhiều năm theo dõi lĩnh vực thanh toán điện tử tại Việt Nam, muốn đẩy manh giao dịch thanh toán trực tuyến, trước tiên, các trang TMĐT phải cung cấp nhiều giải pháp đa dạng, dễ thanh toán thông qua nhiều hình thức như thanh toán qua tài khoản điện thoại, thẻ cào, thẻ thanh toán đảm bảo qua các đơn vị thanh toán trung gian; miễn phí thanh toán đối với người mua; giảm hoặc miễn phí kết nối lần đầu cho các gian hàng.

Với sự bùng nổ của các cổng thanh toán trực tuyến tại Việt Nam trong thời gian vừa qua như Nganluong.vn, Baokim.vn, Onepay hay Smartlink và Banknet, Ngày Mua sắm trực tuyến năm nay ước tính nâng cao khối lượng thanh toán điện tử và chuyển khoản lên 30%.

Kết hợp nội dung và thương mại

Trong năm nay, sẽ ngày càng có nhiều trang TMĐT chú trọng hơn tới việc kết hợp nội dung và thương mại trên trang của mình để tạo ra một website mang tính định hướng về phong cách nhằm lôi kéo khách hàng thường xuyên quay lại trang. Nội dung sẽ trở thành công cụ quan trọng trong chiến lược SEO và tạo thương hiệu cho website.

Xu hướng này bắt đầu phát triển trên thế giới và dự kiến xâm nhập vào Việt Nam trong năm tới. Một ví dụ thú vị cho xu hướng này là trang bán hàng Birchbox. Website này rất xuất sắc tạo ra những nội dung chất lượng cao để lôi kéo người dùng quay trở lại website bằng cách đưa ra những chỉ dẫn làm đẹp dưới dạng “how - to”nghĩa là “Làm như thế nào” để đánh bại các tạp chí thời trang truyền thống.  Người tiêu dùng cũng có thể lựa chọn mua bất kỳ vật phẩm nào được nêu ra trong bài viết  dù là 1 thỏi son hay 1 chiếc đồng hồ. Đó chính là cách nội dung và thương mại có thể kết hợp với nhau để đạt cùng một mục đích là gia tăng doanh số.

Thời đại của video

Theo thống kê của Cisco, năm 2015, video sẽ chiếm 69% tổng lưu lượng truy cập Internet. Do khách hàng có xu hướng muốn xem chi tiết hơn món hàng mình định mua nên video sẽ là công cụ trung tâm và chính diện để chuyển tải những thông tin chi tiết của sản phẩm tới khách hàng. Khi đó người dùng sẽ có được trải nghiệm mua hàng tốt hơn.

Sự dịch chuyển theo xu hướng video đã tạo ra doanh thu tốt hơn trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, đặc biệt với các thương hiệu hàng tiêu dùng đóng gói. Nhiều thương hiệu chứng kiến sự gia tăng trong việc gắn kết người tiêu dùng và được người tiêu dùng nhận biết nhiều hơn.

Video là phương thức hữu hiệu để chuyển tải những nội dung chất lượng cao và hiệu quả nó mang lại cho lĩnh vực TMĐT là gia tăng số đơn hàng bình quân và tỉ lệ chuyển đổi mua hàng cao hơn. Chỉ riêng năm 2014, 25% lượt xem video tại các trang TMĐT xuất phát từ các thiết bị di động so với tỉ lệ 19% trong năm 2013.

Tái tiếp thị (Remarketing)

Sự gia tăng nhanh chóng của các thiết bị di động đã tạo ra những khách hàng luôn luôn trực tuyến - “always on”. Các nhà bán lẻ giờ đây có thể kết nối với khách hàng bất kỳ khi nào và từ bất kỳ đâu.

Tại Việt Nam, sự thống lĩnh của Facebook trên các nền tảng, đặc biệt là trên di động với 27 triệu lượt người dùng truy cập qua mobile mỗi tháng mở ra cơ hội tái tiếp thị sản phẩm/dịch vụ tới một lượng khách hàng lớn cho các nhà bán lẻ.

Tái tiếp thị cho phép hiển thị quảng cáo tới các khách hàng đã truy cập vào website hoặc ứng dụng của nhà bán lẻ. Khi khách hàng rời đi mà không mua bất kỳ sản phẩm nào, tái tiếp thị cho phép nhà bán lẻ kết nối lại với khách hàng thông qua việc hiển thị những nội dung/dịch vụ tương ứng mà họ đã xem hoặc tìm kiếm trước đó.

Facebook đã kiểm chứng kết quả này với doanh số tăng 50% trong quý 4 năm 2014, trong đó quảng cáo di động chiếm tới 70% tổng doanh thu quảng cáo. Hai năm trước, doanh thu di động của Facebook chỉ chiếm 23% tổng doanh thu.