Đại diện đến từ 51 quốc gia và hơn 150 công ty công nghệ cam kết nỗ lực hơn nữa nhằm ngăn chặn hoạt động tội phạm trên mạng, trong đó có sự can thiệp vào các cuộc bầu cử và những phát ngôn gây thù địch.

Nhóm các chính phủ và công ty đã ký vào bản “Lời kêu gọi Paris” nhằm bày tỏ cam kết chung tay hành động nhằm ngăn chặn các hoạt động phi pháp như đánh cắp bí quyết công nghệ. Văn kiện này được các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Canada cũng như các công ty công nghệ lớn Facebook, Google và Microsoft ủng hộ. 

{keywords}
Nỗ lực ngăn chặn hoạt động tội phạm trên mạng của nhiều quốc gia

Trước đó, Pháp ra thông báo “Lời kêu gọi Paris,” khởi động lại các cuộc đàm phán nhằm đặt ra một khuôn khổ chung đảm bảo an ninh mạng sau khi các vụ tấn công mạng gia tăng khiến công chúng giảm lòng tin vào mạng toàn cầu.

Tổng thống Pháp đã trình bày sáng kiến trên khi phát biểu khai mạc Diễn đàn Quản trị Internet do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tổ chức tại thủ đô Paris (Pháp) từ ngày 12-14/11, nhấn mạnh các nước phải cùng nhau hành động, cũng như có thể phối hợp với các đối tác tư nhân, giới nghiên cứu và xã hội dân sự nhằm bảo vệ lợi ích của người dân trên mạng.

Động thái này nhằm khởi động lại các cuộc đàm phán, vốn bị hoãn từ năm ngoái, về bộ quy tắc ứng xử trên mạng. Đến nay, an ninh mạng vẫn chưa có một khuôn khổ chung.

An ninh mạng đang trở thành một vấn đề nhức nhối đối với nhiều nước trên thế giới sau vụ Moskva bị cáo buộc tấn công mạng nhằm can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Các vụ tấn công toàn cầu bằng mã độc như WannaCry, NotPetya, cùng hàng loạt vụ rò rỉ dữ liệu quy mô lớn qua mạng xã hội và nhiều công ty trực tuyến khác càng cho thấy mối đe dọa an ninh mạng ngày một lớn.

Chủ tịch hãng Microsoft Brad Smith cho biết năm 2017, gần 1 tỷ người đã trở thành nạn nhân của các vụ tấn công mạng, chủ yếu do mã độc WannaCry và NotPetya. 

H.N. - Kim Duyên - Trần Thanh Thủy (tổng hợp)