Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trong quý I năm 2021, toàn quốc ghi nhận 20 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 531 người mắc và 3 trường hợp tử vong. Số vụ và số người mắc đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, trong năm 2020, toàn quốc ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm làm 3.094 người mắc và 30 trường hợp tử vong. Toàn ngành y tế đã phát hiện 58.317 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, xử lý 10.077 cơ sở với tổng số tiền phạt là 48,6 tỷ đồng.

Chia sẻ tại Giao lưu trực tuyến “Chung tay hành động vì an toàn thực phẩm” sáng 20/4, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho hay, đây là những con số “rất đáng suy ngẫm”.

{keywords}
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế (ngồi giữa) cùng các khách mời tại Giao lưu trực tuyến “Chung tay hành động vì an toàn thực phẩm” 

Theo ông Phong, nhìn một cách khách quan, ngay cả các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản với điều kiện về môi trường, sản xuất kinh doanh, hệ thống quản lý và pháp luật tiên tiến, rủi ro vẫn xảy ra.

Với điều kiện sản xuất, chế biến thực phẩm, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn như ở Việt Nam, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, các vụ ngộ độc xảy ra là điều không mong muốn, nhưng khó tránh.

Thực tiễn khảo sát và kiểm tra của Cục An toàn thực phẩm ở một số vùng cao, người dân biết các sản phẩm đã hết hạn, ôi thiu nhưng vẫn sử dụng bởi giá thấp. Hay một số khu vực miền Trung bị cô lập bởi bão lụt, nước sạch, thực phẩm đều thiếu thốn, nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm rất cao.

Phân tích về các vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại khu công nghiệp, ông Phong cho hay, với điều kiện giá cả như hiện nay, có những nhà máy vẫn để suất ăn công nhân là 12-13 nghìn đồng/bữa. Nếu trừ đi lợi nhuận của người cung cấp thức ăn, giá thật của suất ăn như vậy là rất ít.

“Ví dụ cá ngừ tươi, nếu là hàng đảm bảo chất lượng thì giá thành cực kỳ đắt. Nhưng nếu cá ngừ đã bị ươn, giá lại rất rẻ. Nhiều bếp ăn tập thể mua cá ngừ giá rẻ cho công nhân ăn, cuối cùng dẫn đến các vụ ngộ độc cá ngừ”, ông Phong nói.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh, ngoài bảo đảm an toàn thực phẩm bằng việc tăng cường thanh tra kiểm tra doanh nghiệp, việc nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào ở vùng khó khăn rất quan trọng.

Ông Phong cũng thông tin, trong năm 2020, các vụ ngộ độc độc tố tự nhiên như cá nóc, măng, nấm độc,… và ngộ độc methanol xảy ra nhiều, số ca tử vong cao. Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Công thương để quản lý chặt chẽ các sản phẩm rượu, nhất là rượu trắng người dân tự pha.

“Vì lợi nhuận, nhiều người pha cồn methanol vào rượu trắng để bán, dẫn đến các vụ ngộ độc rất thương tâm. Chúng tôi đang đề xuất cùng Bộ Công thương, với cồn không phải là cồn thực phẩm cần có màu chỉ thị để tránh tình trạng pha methanol vào rượu bán”, ông Phong nhấn mạnh.

Hiện nay, miền Bắc bắt đầu bước vào mùa nóng ẩm, là điều kiện để vi sinh vật phát triển trên thực phẩm gây nấm mốc, đặc biệt với các loại hạt có dầu như hướng dương, đậu phộng,... “Nhiều khi, nhìn hạt đậu phộng bằng mắt thường có thể không thấy nấm nhưng thực tế nấm đã bắt đầu phát triển, nếu ăn vào dễ dẫn tới ung thư gan”, ông Phong nói.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân, tuyệt đối không sử dụng các thực phẩm đã ôi thiu, nấm mốc. Với sản phẩm đóng gói sẵn đã hết hạn sử dụng, không nên dùng dù bằng mắt thường, sản phẩm chưa xuất hiện yếu tố khác lạ.

Bên cạnh đó, không trữ thực phẩm quá lâu dài, kể cả để trong tủ lạnh mà nên mua tới đâu sử dụng tới đó.

Khi có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, cần dừng ngay việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và tới khám tại cơ quan y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Tuyệt đối không tự mua và sử dụng thuốc, tránh nguy cơ bệnh tăng nặng và nguy cơ kháng kháng sinh.

Nguyễn Liên

Hà Nội: 23 học sinh ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn ở trường

Hà Nội: 23 học sinh ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn ở trường

Sau bữa ăn trưa và bữa phụ chiều ngày 15/4, nhiều học sinh có biểu hiện đau bụng, nôn, đi ngoài,… trong đó một số em phải nhập viện.