{keywords}
Ông Vijay, Giám đốc bán hàng Akamai khu vực châu Á cho hay, 5G sẽ là nhân tố chính trong quá trình chuyển đổi lên OTT bởi chất lượng xem nội dung video thực sự tốt và độ trễ cực thấp.

Akamai - nhà cung cấp dịch vụ mạng phân phối nội dung (CDN), điện toán đám mây và công nghệ bảo mật trên toàn cầu đã đưa ra con số, rằng thị trường OTT sẽ tăng gấp 3 lần giá trị đến năm 2028 với thời gian đăng nhập 17 ngày mỗi tháng và 2,5 giờ trung bình mỗi ngày. Công ty này cũng đưa ra dự báo, Việt Nam sẽ cán mốc 36 triệu người dùng OTT trong số 180 triệu người dùng của toàn bộ Đông Nam Á. Thị trường này có giá trị 54 tỷ USD vào năm 2026, rất đáng để các nhà hoạch định chính sách dành sự quan tâm.

Thông tin trên được công bố tại hội thảo: “Tầm nhìn và các giải pháp của Akamai với doanh nghiệp Media”, được Akamai và Thủ Đô Multimedia tổ chức ngày 24/5/2022. Hội thảo chia sẻ các xu hướng phát triển trong lĩnh vực báo chí, truyền hình và tiến bộ công nghệ để đem lại thành công cho thị trường báo chí đa phương tiện ở một số quốc gia Đông Nam Á, dự báo bùng nổ trong thời gian sắp tới.

Một xu thế lớn khác chính là 'cuộc phiêu lưu' của các dịch vụ thể thao trực tiếp trên nền tảng OTT ngày càng hấp dẫn bởi có nhiều người hâm mộ lựa chọn mô hình trả phí hàng tháng trên Internet, để theo dõi đội và giải đấu mà mình yêu thích. Các sự kiện thu hút hàng chục triệu người xem trực tuyến hay tại những trận đấu thể thao lớn phát triển được hàng trăm ngàn người dùng, điều mà trước đây các nền tảng truyền thống như cable, vệ tinh phải mất rất nhiều thời gian.

Báo cáo của Akamai khẳng định 5G sẽ là nhân tố chính trong quá trình chuyển đổi lên OTT, bởi chất lượng xem nội dung video thực sự tốt và độ trễ cực thấp khiến mọi sự kiện có cảm giác như đang xảy ra tức thời.

Công ty cũng chỉ ra các vấn đề cần quan tâm trong quá trình phát triển của lĩnh vực này là thị trường OTT ngày càng phát triển mạnh, nhưng số người dùng lại suy giảm, hay vấn đề vi phạm bản quyền, đảm bảo an ninh an toàn cho hệ thống.

Đề cập đến thực trạng số người dùng suy giảm, đại diện doanh nghiệp này nêu rõ các nguyên nhân liên quan đến ảnh hưởng trải nghiệm của người dùng. Hiện nay, chuyện băng thông để phục vụ hàng triệu người xem trực tuyến đồng thời đã không còn là vấn đề quá lớn và được giải quyết đủ tốt. Nhà cung cấp không thiếu băng thông nhưng cảm giác phải xem nội dung trễ sau 30-45 giây so với các dịch vụ như IPTV hay truyền hình số truyền thống là một thực tế. Để giải quyết vấn đề này, giải pháp CDN độ trễ thấp của Akamai đã đưa thời gian trễ chỉ còn khoảng 3 giây so với tín hiệu truyền hình truyền thống.

Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hoan, Phó Tổng Giám đốc Thủ Đô Multimedia cho biết: “Thời gian trễ này chủ yếu còn đến từ việc các hệ thống OTT hiện đang chưa được nhận từ tín hiệu gốc. Nếu được nhận tín hiệu SDI từ nguồn phát, chúng tôi có thể rút ngắn thêm 2 giây nữa để cảm giác hầu như không còn độ trễ”.

Akamai đưa ra con số có tới 60% người dùng Việt Nam truy cập vào các website có luồng nội dung lậu hoặc các website chia sẻ, lứa tuổi sử dụng các nội dung vi phạm bản quyền là 18-24 chiếm 65%. Doanh nghiệp đã đưa ra giải pháp giúp các đơn vị phân phối nội dung có bản quyền yên tâm hơn như: Giải pháp đánh dấu chỉ cho phép phân phối nội dung theo vùng địa lý, hoặc các giải pháp sử dụng token để xác thực quyền được xem, để giải quyết vấn nạn này.

"Lĩnh vực an ninh, an toàn dịch vụ là yếu tố được đề cập sau cùng, nhưng càng về sau càng góp phần vào sự thành công của dịch vụ. Akamai đã giải nỗi lo này thông qua những biện pháp phát hiện các cuộc chống tấn công DDoS tức thời, ứng xử chuyển hướng các cuộc tấn công bằng trí tuệ nhân tạo. Khi phân phối nội dung trên hạ tầng của công ty, toàn bộ đầu tư về thiết bị, nhân lực cho vấn đề bảo mật của các đơn vị truyền hình, đài báo không còn cần thiết nữa. Các đối tác lúc đó chỉ còn tập trung phát triển nội dung tốt nhất cho khán giả của mình", ông Vijay, Giám đốc bán hàng Akamai khu vực châu Á chia sẻ.

Thái Khang

 

Tác phẩm tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo được đăng ký bản quyền hay không?

Tác phẩm tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo được đăng ký bản quyền hay không?

Theo Văn phòng bản quyền Mỹ (USCO), chỉ có các tác phẩm “được tạo ra bởi con người” mới có thể đăng ký bản quyền.