- Con số cam kết tài trợ phát triển chính thức (ODA) mà các đối tác quốc tế cam kết cho Việt Nam vay tại hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ hôm nay (10/12) là 6,485 tỷ USD, giảm gần 1 tỷ USD so với năm trước.

Thúc giục minh bạch

Đóng góp nhiều kiến nghị cho Việt Nam trước những thách thức về tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và hệ thống ngân hàng thương mại, các nhà tài trợ quốc tế đều nhấn mạnh yêu cầu về tính minh bạch.

Chia sẻ nhận định về bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng, các đại diện quốc tế tại hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) hôm nay (10/12), đồng tình với ba khâu đột phá mà Chính phủ Việt Nam xác định trong các giải pháp sắp tới: tái cơ cấu đầu tư công, DNNN và các ngân hàng thương mại.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Về tái cơ cấu DNNN, đại diện Bộ Tài chính thừa nhận "việc sắp xếp, cổ phần hóa còn chậm, chưa phân định chức năng quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu nhà nước, cơ chế quản lý, giám sát đối với chủ sở hữu nhà nước còn hạn chế, đầu tư trong ngành chưa hợp lý và dàn trải, đầu tư ngoài ngành không hiệu quả, năng lực quản trị kém, có vi phạm quy định của nhà nước dẫn đến thất thoát, lãng phí....

Bộ Tài chính nhấn mạnh các giải pháp như hoàn thiện thể chế quản lý, phân loại DNNN, tái cơ cấu một cách toàn diện, thoái vốn ngoài ngành và thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu đối với DNNN.

Góp ý cho vấn đề này, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên LHQ tại Việt Nam nhấn mạnh yếu tố quan trọng trong cải cách cơ cấu là xác định rõ vai trò của nhà nước trong nền kinh tế cũng như trong cung cấp các dịch vụ xã hội.

"Cần phân tách rõ giữa sở hữu nhà nước, các bên quy định luật pháp và các bên tham gia thị trường nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế", bà Pratibha Mehta nói.

Yếu tố thứ hai cần xử lý, theo Điều phối viên LHQ là những ưu đãi về cơ chế đã tạo điều kiện cho tham nhũng, lạm quyền và quản lý sai. "Cuối cùng, tham nhũng bao giờ cũng làm gia tăng bất bình đẳng, hạn chế các cơ hội, làm giảm chất lượng các công trình đầu tư công và cản trở tăng trưởng nói chung", bà Pratibha Mehta nhận định.

Chính vì vậy, đại diện Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) nhất mạnh trong đổi mới DNNN, trước hết cần tăng cường sự minh bạch để giám sát tốt hơn quá trình cải cách này. "Nhiều kế hoạch tái cơ cấu DNNN đã được thông qua, nhưng lại có rất ít thông tin về việc nội dung cũng như tiến độ triển khai các kế hoạch này, khiến dư luận nghi ngại về cam kết cải cách của Chính phủ", vị đại diện này nói.

Thứ hai, theo đại diện ADB, cần tính toán đầy đủ chi phí của việc tái cơ cấu DNNN. Cuối cùng là cần có sự tham vấn và thảo luận sâu rộng giữa các bên liên quan để có sự đồng thuận đối với các mục tiêu của việc tái cơ cấu và kịp thời có những thay đổi chính sách và phối hợp giữa các ngành, các cấp.

Giải quyết chậm, chi phí sẽ tăng

Theo ông Sanjay Kalra, đại diện thường trú của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thì chỉ ra không cải cách DNNN thì không thể giải quyết triệt để các vấn đề của ngành ngân hàng do một phần khá lớn tiền vay từ các ngân hàng hiện nay là dành cho DNNN.

"Bước đầu, tình trạng tài chính thực sự của các DNNN cần được công khai cho dân biết, vì họ đang dùng tiền của nhà nước, của dân", ông Sanjay Kalra nhấn mạnh và lưu ý chính sách tài khóa cũng cần cần dự phòng những khoản nợ phát sinh từ việc cải cách DNNN.

Đối với những thách thức lớn về nợ xấu, dự phòng không đủ, thiếu an toàn của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, đại diện thường trú IMF kiến nghị một đề án tái cơ cấu mang tính thực tế, dựa trên các cuộc thanh tra tại chỗ thấu đáo. "Cần phân biệt giữa các ngân hàng có và không có khả năng thanh toán, buộc họ chịu lỗ trước khi bơm vốn và phải giải quyết nợ xấu", ông Sanjay Kalra nói.

Đại diện IMF kiến nghị duy trì lãi suất chính sách ở mức hiện nay để giữ lạm phát thấp và tỉ giá hối đoái ổn định. Ông Sanjay Kalra cũng cho rằng cần khắc phục sớm hậu quả của việc vỡ bong bóng bất động sản dẫn đến các yếu kém trong ngành ngân hàng.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam thay mặt các nhà tài trợ quốc tế thúc giục Việt Nam nhanh chóng xây dựng hệ thống tài chính lành mạnh hơn.

"Nếu không hành động quyết tâm và kiên định, chi phí cho việc giải quyết những thách thức này sẽ gia tăng. Ở một số nước, chi phí đối phó với những khó khăn trong khu vực tài chính có thể chiếm đến 30-40% GDP", bà Kwakwa nhận định. "Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, khả năng cạnh tranh kém, thiếu ổn định xã hội và gia tăng bất bình đẳng. Các đối tác quốc tế đều hy vọng Việt Nam tránh được viễn cảnh này".

Chung Hoàng